Tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HCFC vào năm 2045
Tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HCFC vào năm 2045
Việt Nam phấn đấu loại trừ các chất HCFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HCFC vào năm 2045.
Vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn. Hội thảo do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2022 với sự tham dự của các đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới, các Bộ, ngành: Lao động, Thương binh – Xã hội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Sở trên thành phố Hồ Chí Minh; các cơ quan nghiên cứu, Trường đại học; các hiệp hội, các công ty nhập khẩu hóa chất, thiết bị; sản xuất thiết bị; thu gom, xử lý chất thải nguy hại; ban quản lý các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các công ty tham gia Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn của Việt Nam giai đoạn II.
Các chất HFC là tên viết tắt của hydro-chloro-fluoro-carbon, là nhóm chất gây suy giảm tầng ô-dôn dùng làm môi chất lạnh. Các báo cáo, phát biểu tại hội thảo tập trung tổng hợp, đánh giá một số kết quả bước đầu thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II trong các lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và xốp; phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn; và trao đổi về công tác quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal tại Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng); Trong giai đoạn 2020 – 2025, loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040; Thực hiện theo lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.
Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ tầng ô-dôn là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn tại Điều 92 trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát, quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất được kiểm soát.
Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Viên. Nghị quyết số 49/114 tháng 12/1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16/9 hằng năm là “Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị