Chuyện nhỏ mà thời sự

Chuyện nhỏ mà thời sự
Ảnh minh họa.

Sáng Chủ nhật, ngồi nhâm nhi cà phê, bàn bên cạnh văng vẳng tiếng luận bàn về thời cuộc. Một người đàn ông cất giọng nói: Tôi nói thật với các ông, tôi sống ở nước ngoài đã lâu, là doanh nhân đi khắp thế giới, tiền không thiếu, golf biết chơi nhưng không thích nên không ra sân. Nhưng khi về Việt Nam sinh sống, tôi thấy đánh golf đang trở thành trào lưu. Có tiền thì chơi, chơi golf tốt cho sức khỏe không sao, nhưng có câu chuyện này muốn luận bàn với các ông, đó là giờ vào Facebook, thấy có nơi người ta lập hội nhóm golf dòng họ, rồi tổ chức giải golf họ. Cái này chẳng có gì sai, mỗi chúng ta sinh ra ai chẳng tự hào về tổ quốc mình, gia đình mình và dòng họ mình…

Cái lạ ở chỗ, nói về đam mê thể thao, ở Việt Nam bóng đá là một số một, nhưng từ xưa đến nay, không thấy lập nhóm bóng đá dòng họ, giải bóng đá hay các giải thể thao dòng họ. Thế mà với golf, người ta lại lập nên nhóm golf dòng họ, giải golf dòng họ, vì sao? Người đàn ông ngồi kế bên trả lời, đơn giản thôi mà, golf xuất thân từ nước ngoài và môn thể thao dành cho giới “quý tộc”. Những người đi chơi golf là những người thuộc “đẳng cấp trên”. Còn nay, tuy golf không còn tính “quý tộc” như xưa, nhưng vẫn là môn thể thao của giới thượng lưu, dẫu nó cũng đang gần tiến đến mức phổ thông hóa. Vì vậy, người ta lập nên những nhóm golf dòng họ cũng muốn khẳng định giá trị đẳng cấp của dòng họ mình mà thôi. Đơn giản thế!

Lại nhấp một ly cà phê, người đàn ông tự giới thiệu doanh nhân nói tiếp: Đúng là đơn giản, nhưng nó cũng thể hiện góc độ sâu xa của một dân tộc, đúng hơn suy nghĩ của một lớp người trong một thời đại lịch sử. Tôi và các anh ngồi đây, dù họ Trần, Nguyễn, Lê… thì cũng gắn chung với lịch sử dân tộc, trải qua một thời kỳ dài chống lại sự xâm lăng để giành độc lập cho Tổ quốc. Khát vọng chung của tổ tiên, cha ông chúng ta làm sao đất nước độc lập, tự do và phát triển như các nước; khát vọng chung của mỗi dòng họ là làm sao con cháu học giỏi, có nghề nghiệp, trưởng thành làm rạng danh dòng họ.

Ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu… hiện nay vai trò của các dòng họ rất quan trọng. Họ khuyến khích con em học tập, lao động, sáng tạo để trở thành những công dân có ích, doanh nhân giỏi, tỷ phú giàu có, nhà khoa học tài ba… để góp phần làm cho đất nước họ hùng cường hơn. Họ cũng đi đánh golf để giải trí, dân chuyên nghiệp thì cũng thi các giải nhà nghề, mở rộng, nhưng không thấy thi giải dòng họ… Và vì vậy, tôi cho rằng, quốc gia nào muốn giàu có, đầu tiên phải tạo ra lớp người giàu có, họ là lực lượng tiên phong để thúc đẩy kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thay vì cách thể hiện đẳng cấp trong xã hội, giá họ tạo ra các phong trào thi đua trong sản xuất- kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước thì sẽ hay hơn.

“Đất nước chưa giàu, người nghèo vẫn còn rất nhiều và trong số những người giàu có, có người chưa hẳn đã làm giàu bằng mồ hôi, nước mắt, các vụ án khởi tố thời gian qua là ví dụ. Cho nên, từ góc độ người con sinh ra, lớn lên ở đất mẹ Việt Nam, trưởng thành ở nước phát triển tôi có suy nghĩ vậy”, vị doanh nhân Việt Kiều buông tiếng thở dài, cả mấy ông bạn ngồi cà phê ai nấy đều trầm ngâm.

Tình cờ nghe câu chuyện luận bàn của một số người uống cà phê bàn bên cạnh, dẫu là câu chuyện nhỏ nhưng đã đề cập đến nhiều góc độ lớn ở xã hội đang chuyển đổi hiện nay mà chúng ta phải nghĩ suy!

Lê Nguyễn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích