Vạn sinh viên cần nơi ở, đầu tư hàng chục tỷ xây nhà trọ kiếm lời
Đã qua thời kỳ sôi động nhưng gần đây, loại bất động sản nhà trọ tại các xã quanh khu vực Hòa Lạc đang nóng lên từng ngày. Không ít nhà đầu tư bỏ ra vài chục tỷ đồng mua đất xây dựng nhà trọ cho sinh viên thuê.
Chạy đua xây nhà trọ
Giữa tháng 8, thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, khu nhà trọ của ông Hữu Bảo (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) vừa hoàn thiện được 2 tháng đã “cháy phòng”. Rất đông sinh viên trường Đại học FPT và Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) đến đăng ký thuê trọ.
Ông Bảo kể, sau thời gian tìm hiểu, ông biết có gần 10.000 sinh viên của hai trường đại học trên theo học tại Hòa Lạc. Nhận thấy nhu cầu ở trọ cao, ông Bảo kêu gọi họ hàng, người thân gom gần 10 tỷ đồng xây nhà trọ cho sinh viên thuê.
Để phù hợp với không gian sinh hoạt và học tập, ông Bảo thuê hẳn kiến trúc sư thiết kế, mỗi phòng đủ cho 2 sinh viên ở trọ, có đầy đủ bếp, nhà vệ sinh; mỗi sinh viên có không gian nghỉ ngơi và học tập tách biệt. Giá cho thuê là 3 triệu đồng/phòng, cao hơn 1 triệu đồng so với mặt bằng giá thuê chung tại Hòa Lạc.
Hành lang khu nhà trọ của ông Bảo |
Về tổng thể, cả khu nhà trọ này như một ký túc xá, quy mô hiện đại như một khách sạn, có cả thang máy, hành lang trồng cây xanh, gara ô tô, bảo vệ trực 24/24,…
Tương tự, khu nhà trọ 30 phòng mới sửa sang lại của cô Nguyễn Ngọc Mai (thôn 1, xã Thạch Hòa, Thạch Thất), cách Đại học FPT khoảng 5km cũng không còn phòng trống. Cô Mai cho hay, ban đầu khu nhà trọ chỉ phục vụ công nhân làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, hạ tầng rất sơ sài. Hồi đầu hè, nhiều phụ huynh và học sinh trường FPT đến hỏi thuê, nhưng chê xấu rồi bỏ đi.
“Họ yêu cầu phòng đẹp, sạch sẽ, giá đắt hơn cũng thuê. Vì thế, tranh thủ mấy tháng hè tôi thuê thợ sửa sang lại toàn bộ”, cô Mai kể.
Theo thông báo từ Đại học FPT, năm 2022 có 6.000 sinh viên, năm 2023 có 7.000 sinh viên trường này học tại Hòa Lạc. Ngoài ra, năm nay, ĐHQGHN cũng đưa 2.000 sinh viên lên học tại cơ sở Hòa Lạc. Do đó, ngoài ký túc xá của trường, nhu cầu sinh viên ở trọ đang nóng lên từng ngày.
Mỗi phòng đủ cho 2 sinh viên, có đầy đủ góc học tập |
Thừa kế lô đất rộng 5.000m2 ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), anh Việt Hoàng (ngụ quận Hoàng Mai) định xây biệt thự để cuối tuần cùng gia đình về nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mới đây, anh nhận được tờ thông báo từ Đại học FPT kêu gọi cư dân xung quanh trường phối hợp cung cấp thông tin nhà trọ cho sinh viên. Thấy vậy, anh Hoàng quyết định dừng xây biệt thự, chuyển sang xây nhà trọ để kinh doanh.
Anh Hoàng nhận định, thị trường nhà trọ ở Hòa Lạc khá tiềm năng, thậm chí có thể tăng trưởng ổn định. Ngoài sinh viên trường Đại học FPT, thời gian tới, ĐHQGHN sẽ đón hàng chục nghìn sinh viên lên học tập tại Hòa Lạc.
“Đây là cơ hội sinh lời về lâu dài. Tôi đang kêu gọi bạn bè, người thân hùn vốn xây dựng khoảng 200 phòng trọ”, anh Hoàng tiết lộ.
Dồn dập tìm đất, ẩn chứa rủi ro
Theo anh Đức, một môi giới bất động sản tại Hòa Lạc, dù bất động sản đóng băng nhưng gần đây, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu tìm mua những mảnh đất rộng trên 150m2, gần Đại học FPT và ĐHQGHN để xây nhà trọ cho sinh viên thuê. Một số người có tiềm lực tài chính mạnh, bỏ ra 12-15 tỷ đồng để sở hữu diện tích trên 300m2, giá 40 triệu/m2. Đây là đất tái định cư, nơi có hạ tầng giao thông thuận lợi.
Nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây nhà trọ |
Anh Đức cho biết, những năm trước, thị trường nhà trọ ở Hòa Lạc không sôi động. Song, năm nay, xuất hiện nhiều nhà đầu tư tìm mua đất, dồn dập xây nhà trọ để đón đợt tuyển sinh mới của hai trường đại học. Một số công trình nhà sinh viên bắt đầu hoàn thiện, đi vào sử dụng với quy mô biệt lập theo mô hình ký túc xá.
Đang trong quá trình tìm hiểu thị trường nhà trọ để đầu tư, anh Cao Xuân Trường (Thanh Xuân – Hà Nội) nhận thấy, kinh doanh nhà trọ trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng cũng là một giải pháp tích cực, có tính bền vững. Tuy nhiên, anh Trường cho rằng, bỏ ra 4-5 tỷ xây 30 phòng trọ cho thuê, nhà đầu tư cần suy tính kỹ trước khi bắt tay thực hiện.
Với giá thuê phổ biến ở Hòa Lạc từ 2-3 triệu đồng/phòng, nhà đầu tư mất 5-6 năm mới thu hồi được vốn. Chưa kể, do nhu cầu kén chọn nơi ở ngày càng tốt lên của sinh viên, nhà đầu tư phải chi khoản tiền cả tỷ đồng nâng cấp hạ tầng để bắt kịp xu thế cạnh tranh.
“Theo khảo sát, chỉ trong vòng nửa năm, có tới vài khu trọ quy mô 200 phòng đang khởi công, giá trị đầu tư từ 15-20 tỷ đồng. Với tốc độ xây như vậy, 2-3 năm tới, số phòng trọ ở Hòa Lạc có thể sẽ thừa. Đây sẽ là rủi ro cần suy tính kỹ trước khi đầu tư”, anh Trường phân tích.
Nguồn: Báo xây dựng