Đẩy mạnh quảng bá, hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận tại Thủ đô
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là một tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Về vị trí địa lý, Ninh Thuận nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đi qua. Ninh Thuận cũng có khí hậu ít mưa, nhiều nắng và ít chịu ảnh hưởng gió bão. Đặc biệt, Ninh Thuận có lợi thế lớn nhất đó là bờ biển dài với hơn 105 km, có tuyến đường ven biển đẹp và thuận lợi trong việc kết nối với các điểm đến thuộc dải ven biển của tỉnh.
Về văn hoá, Ninh Thuận còn là địa phương có bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, đặc biệt có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị. |
Về di tích, di sản, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Tháp Pôklông Garai và Tháp Hoà Lai), 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh.
Đặc biệt, về tài nguyên du lịch, Ninh Thuận có hai vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ninh Thuận cũng có nhiều vùng vịnh và danh lam thắng cảnh phù hợp cho phát triển du lịch, trong đó có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam…
Có thể nói, với những lợi thế từ thiên nhiên và nhân văn đã mang lại cho Ninh Thuận nhiều loại hình du lịch phong phú, độc đáo và khác biệt; mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững, giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của con người và quê hương Ninh Thuận.
Ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Sở Du lịch thành phố Hà Nội. |
Định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam mục tiêu phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu.
Đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh.
Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia Núi Chúa.
Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát – muối (hai sản phẩm độc đáo của mảnh đất Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.
Tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và Ninh Thuận
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác hai chiều và hết sức ủng hộ Ninh Thuận trong công tác phát triển du lịch. Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, kết nối với Ninh Thuận. Ngược lại, tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư vào Ninh Thuận.
Trong thời gian tới, để công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận được hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã gợi ý một số giải pháp.
Cụ thể, Sở Du lịch Ninh Thuận và Hà Nội cần tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa để có thể cung cấp các sản phẩm du lịch hấp dẫn, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Thứ hai, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính kết nối, phối hợp cùng các hoạt động trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đồng hành và hưởng ứng các chương trình do hai địa phương kết nối và xây dựng về phát triển du lịch…
Cuối cùng, cần kêu gọi thu hút đầu tư, khảo sát phát triển, kết nối tuyến Hà Nội – Ninh Thuận với các địa phương lân cận để tăng tính kết nối trong du lịch…
Tại Hội nghị, tỉnh Ninh Thuận cũng đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Sở Du lịch thành phố Hà Nội; chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội và các địa phương…
Nguồn: Báo lao động thủ đô