Khách nước ngoài vẫn đổ xô vào bất động sản đắt đỏ bậc nhất ở Hồng Kông
Vốn đầu tư vào bất động sản Hồng Kông đã tăng vọt trong năm nay khi nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và nước ngoài đổ xô săn đón các tòa nhà văn phòng cửa hàng, căn hộ dịch vụ và bãi đậu xe.
Dòng vốn nước ngoài đổ vào bất động sản Hồng Kông đạt mức cao nhất trong 2 năm qua (Ảnh: AFP). |
Theo dữ liệu do Midlan ICI tổng hợp từ hơn các giao dịch bất động sản không phải nhà ở có giá trị từ 100 triệu HKD, trong 15 ngày đầu tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài và Trung Quốc đã đổ 17,2 tỷ HKD (tương đương 2,2 tỷ USD) vào bất động sản Hồng Kông, mức cao nhất trong 2 năm qua.
Trong đó nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục “rót” 8,53 tỷ HKD, tương đương 49% giao dịch, mức cao nhất kể từ khi diễn ra cuộc biểu tình vào năm 2019.
“Thị trường đầu tư nói chung ở Hồng Kông đang dần hồi phục khi đại dịch được kiểm soát. Số lượng các giao dịch có giá trị lớn đang có xu hướng tăng”, ông Tony Lo Chin-ho, Giám đốc điều hành tại công ty con ICI Property của Midland.
Sự bùng nổ về đầu tư đang củng cố đà phục hồi của nền kinh tế Hồng Kông. Trong quý II vừa qua, Hồng Kông tăng trưởng 7,5% sau mức tăng trưởng cao hơn dự đoán trong quý I ở mức 7,9%.
Theo dữ liệu từ Midland, tổng giá trị giao dịch các bất động sản không phải nhà ở, bao gồm cả giao dịch của người Hồng Kông, đã tăng lên 49,1 tỷ HKD vào giữa tháng 8, cao hơn so với tổng giá trị giao dịch của 12 tháng trong năm 2020.
Tuy nhiên, các giao dịch có thể chững lại trong nửa cuối năm nay khi một số nhà đầu tư nước ngoài hoãn kế hoạch mở rộng hoạt động tại thành phố này do lo ngại về luật chống trừng phạt mà Trung Quốc vừa ban hành.
“Mặc dù luật chống trừng phạt đã bị hoãn ban hành ở Hồng Kông song giới đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại”, ông Lo nói và cho biết tốc độ đầu tư nước ngoài vào Hồng Kông sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay. “Hầu hết các quỹ nước ngoài đều tham gia vào thị trường trong nửa đầu năm”, ông nói thêm.
Tuy vậy, bất động sản Hồng Kông đang trong giai đoạn tăng giá khi các khoản đầu tư đang ồ ạt đổ vào bất động sản nhà ở, văn phòng, bán lẻ, thậm chí cả chỗ đậu xe nhằm tận dụng mức lãi suất thấp kỷ lục và vay vốn dễ dàng.
Tổng khối lượng giao dịch bất động sản – bao gồm bất động sản nhà ở và thương mại – dự kiến đạt 628,4 tỷ HKD trong 8 tháng qua, vượt qua tổng số 12 tháng của năm ngoái, theo dữ liệu do hãng Centaline cung cấp.
Đáng chú ý, nhu cầu của thị trường đối với trung tâm dữ liệu, nhà kho và trung tâm logistics tăng mạnh. Doanh số bán các ngôi nhà siêu sang được củng cố nhờ bán căn hộ hạng sang tại 21 Borrett Road ở khu Mid-Levels của hãng bất động sản CK Asset với giá gần nửa tỷ HKD. Theo đó, căn hộ siêu sang có diện tích 313,8 m2 đã được một người Trung Quốc tên là Yin Xi mua với mức giá cao kỷ lục 459 triệu HKD (tương đương 59 triệu USD).
Nguồn: Báo xây dựng