Tuổi trẻ TPHCM đề xuất giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Tuổi trẻ TPHCM đề xuất giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Nguyễn Vinh –  Thứ tư, 28/09/2022 09:08 (GMT+7)

Ngày 27-9, Ban Thường vụ Đoàn khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030.

Tại hội nghị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ chia sẻ và đề xuất giải pháp thực hiện nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động, Chỉ thị của Thành ủy về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Trong đó, tập trung thảo luận về đánh giá hiệu quả công tác triển khai thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất giải pháp thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 – 2030; những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030 và đề xuất các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, thảo luận về kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện nội dung “Truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” ở các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức và các sáng kiến hay khi thực hiện ở địa phương; Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc tham gia thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030, các giải pháp sáng kiến tuyên truyền vận động hiệu quả và phù hợp với giới trẻ hiện nay.

Theo đại diện Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp cơ sở Đoàn đối với công tác bảo vệ môi trường. Các cơ sở Đoàn cần xác định công tác tham gia bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của hoạt động đơn vị. Bên cạnh đó, cần huy động hiệu quả nguồn lực thanh niên tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, cơ quan, trường học. Đa dạng hoá các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường như thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, các công trình, dự án về môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết thực tiễn các vấn đề môi trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp các mô hình kinh doanh, các dự án thân thiện với môi trường…

Phân tích về thực trạng hoạt động tái chế của Thành phố, Đoàn Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố nêu những thách thức, rào cản và với các chính sách hiện có chưa thực sự mang lại hiệu quả để thúc đẩy phát triển bền vững hoạt động tái chế của Thành phố.

Cụ thể như: Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động tái chế chưa thật sự mang lại hiệu quả. Khó tiếp cận chính sách chung do các cơ sở thu mua, tái chế tại TPHCM hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Thị trường tái chế chưa phát triển. Cơ sở dữ liệu, thông tin về hoạt động tái chế chưa đầy đủ. Từ đó, Đoàn đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện của Thành phố. 

Trong đó, định hướng phát triển công nghiệp tái chế chất thải rắn phục vụ phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM; có chính sách tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế; chính sách cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế mới/cơ sở tái chế mở rộng quy mô sản xuất; chính sách thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm tái chế.

Hoàn thiện thông tin thị trường tái chế. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển hoạt động tái chế chất thải rắn. Nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong quản lý chất thải rắn; thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn. Xây dựng và mở rộng mô hình hợp tác công – tư trong quản lý chất thải nhựa cho TPHCM.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích