Rào cản ngăn cản kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế và thương mại hóa

Các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn

GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao cho đất nước.

Nhằm thúc đẩy việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ, Viện Hàn lâm đã ban hành 4 chương trình ứng dụng và triển khai công nghệ: 1) Chương trình Phát triển công nghệ với yêu cầu sản phẩm đầu ra là: Các sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng; 2) Dự án sản xuất thử nghiệm với đầu ra là quy trình công nghệ được thử nghiệm ở quy mô pilot (hợp tác với doanh nghiệp); 3) Chương trình phát triển sản phẩm thương mại với sản phẩm đầu ra là các sản phẩm được cấp phép bởi cơ quan quản lý và được thương mại hoá; 4) các Đề tài dự án hợp tác bộ ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề cấp bách do các bộ, ngành địa phương đặt hàng.

Các chương trình này hỗ trợ nhà khoa học nghiên cứu giải quyết các vấn đề, thách thức của doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương. Viện Hàn lâm đã xây dựng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm tôn vinh các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc và trực tiếp triển khai ứng dụng đem lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những năm qua, bên cạnh thành tích về công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, Viện Hàn lâm luôn đứng đầu về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích và chiếm tỉ lệ lớn của Việt Nam, có khoảng 40-50 sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp bằng hàng năm. Đặc biệt, trong năm 2021, các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 63 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích chiếm gần 20% thị phần về Sáng chế và Giải pháp hữu ích tại Việt Nam do người Việt Nam là chủ bằng.

Nhiều nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai tại Viện… Trong 10 năm qua, các đơn vị của Viện Hàn Lâm đã chuyển giao 120 sản phẩm, công nghệ cho các doanh nghiệp, địa phương và hiện nay đã có gần hơn 250 công nghệ có thể giới thiệu với doanh nghiệp để chuyển giao.

Đặc biệt liên tục trong 2 năm 2020 và 2021, Viện Hàn lâm được nhận giải thưởng “Dẫn đầu đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á” (hạng mục tổ chức nghiên cứu Chính phủ) của tổ chức cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới Clarivate, Vương Quốc Anh.

Có thể thấy với việc Trung ương ban hành Nghị quyết 20 về KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyển giao công nghệ, cùng với sự nỗ lực, cố gắng thì Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả ứng dụng nổi bật, có nhiều công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao, nhưng Viện vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh của mình trong công tác ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ của Viện vì còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

 GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ảnh VGP

Nói về khó khăn của nhà khoa học, GS.TS Châu Văn Minh cho biết, thực tiễn nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu KH&CN của mình. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Hai là tự mình khởi nghiệp. Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp do bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu khám phá các vấn đề mới và không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện.

Về chủ trương chung, Nhà nước ta rất khuyến khích phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đặc thù của loại hình này có tính rủi ro cao (thường chỉ 3-5% thành công), có thể không thành công nhiều lần và thông thường gắn chặt với tác giả tạo ra công nghệ. Sau khi thất bại, các nhà khoa học này rất khó có thể quay trở lại con đường nghiên cứu khoa học của mình vì nhiều lý do khác nhau.

Trong khi đó, hiện nay chưa có chính sách đảm bảo việc sử dụng các nhà khoa học khi triển khai doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không thành công. Chính vì vậy các nhà khoa học còn chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được đưa vào thực tế ứng dụng.

Thứ hai là thách thức từ phía doanh nghiệp: Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro. Trong khi với cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm nói riêng và của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước nói chung hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao.

Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh phí chủ động đặt hàng các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong nước giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp vì e ngại rủi ro và thiếu thông tin. Một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước mà vẫn lựa chọn mua công nghệ nước ngoài.

Các thông tin giới thiệu về các sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu trong nước với doanh nghiệp còn hạn chế do cơ sở dữ liệu khá rời rạc và chưa đồng bộ. Các tổ chức trung gian làm cầu nối cho các nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu về năng lực, thiếu sự hỗ trợ về cơ chế chính sách nên khả năng hỗ trợ thương mại hoá còn hạn chế, đồng thời thiếu sự liên kết với mạng lưới trong khu vực và quốc tế.

Thứ ba là những hạn chế, thách thức từ các cơ quan quản lý. 

4 vấn đề trọng tâm

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Viện Hàn lâm, GS.TS Châu Văn Minh có một số đề xuất, khuyến nghị. Một là, kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn xử lý chưa thống nhất. Ví dụ kết quả nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, trường hợp nhiệm vụ sử dụng 100% ngân sách thì lợi nhuận toàn bộ sẽ thuộc nhà nước. Đối với kết quả được bảo hộ SHTT thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022, trong đó quy định nhà khoa học được hưởng từ 15% đến 20% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong khi đó Luật KH&CN 2013 lại quy định nhà khoa học được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Có thể thấy các quy định không thống nhất này dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.

Hai là, việc định giá tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN theo Luật giá 2012 và Nghị định 70/2018/NĐ-CP khó thực hiện ngay cả đối với các đơn vị có chức năng thẩm định gây khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Thậm chí trong một số trường hợp cơ quan chủ trì và tác giả có thể bị quy trách nhiệm hình sự làm thất thoát tài sản nhà nước theo Luật Hình sự 2015.

Ba là, một số quy định ngành chưa phù hợp gây khó khăn trong ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu (VD: Theo Thông tư 35/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Luật Dược chỉ cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc nguồn gốc hóa dược khi nguyên liệu được sản xuất trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP trong khi chưa có cơ sở nghiên cứu nào đạt tiêu chuẩn này ở Việt Nam). Bốn là các sản phẩm khoa học khó tham gia mua sắm công do chưa có chính sách khuyến khích, ưu tiên trong mua sắm công.

Để các kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh chóng hơn vào thị trường và tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả khoa học và tài sản trí tuệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xin đề xuất 5 kiến nghị cụ thể.

Một là, đề nghị các cơ quan quản lí nhà nước rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ…

Hai là xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Có chính sách cụ thể để các nhà khoa học đã tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sau 3 đến 5 năm được quay về làm việc ở Viện/ Trường, cơ quan nghiên cứu khoa học (kể cả trong trường hợp không thành công).

Ba là, để một sản phẩm KH&CN được đưa vào ứng dụng thực tiễn, nhà khoa học phải trải qua quá trình thực hiện nhiều bước từ ý tưởng, phê duyệt đề tài nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, thử nghiệm sản xuất ở quy mô pilot, sản xuất ở quy mô công nghiệp. Các hoạt động này trải qua đánh giá ở nhiều hội đồng xét duyệt, nghiệm thu và thường bị ngắt quãng. Do đó cần có chính sách đầu tư các nhiệm vụ KH&CN dài hạn gắn các nhà khoa học thực hiện đến sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh.

Bốn là, xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động kết nối Viện/Trường với doanh nghiệp, nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, tạo công nghệ phù hợp với doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN.

Năm là, có chính sách khuyến khích, ưu tiên mua thiết bị, công nghệ… là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước trong mua sắm công.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích