TP.HCM: Đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản
Ngày 27/9, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và năm 2021. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo Thành phố, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021.
“Tôi xin chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ ở từng địa phương, từng ngõ ngách của cuộc sống, của từng gia đình, của từng người. Đồng thời, chúng ta cũng nghiêm khắc phê bình với một số tổ chức, cá nhân trong thực hiện trách nhiệm của mình chưa tốt, hoặc là còn để chậm trễ, trì hoãn trong các hoạt động thực hiện chương trình giảm nghèo của thành phố trong thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị các đơn vị cần phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực đã làm nên kết quả thời gian qua, đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém còn tồn tại, vướng mắc, đề ra những biện pháp có hiệu quả, quyết liệt trong thời gian tới. Toàn hệ thống chính trị thành phố phải xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải luôn nỗ lực hành động.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị phải quan tâm đến chất lượng sống và giảm chi phí giáo dục, y tế; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần. Cần phải có chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo; tập trung nâng cao chất lượng sống của các gia đình chính sách, không để các gia đình chính sách có mức sống dưới trung bình của địa phương.
Ngài ra, chính quyền địa phương các cấp phải thường xuyên rà soát cập nhật thông tin, bổ sung giải pháp hỗ trợ người nghèo về vấn đề vốn, nghề nghiệp, việc làm… đảm bảo họ có cơ hội tiếp cận những dịch vụ thiết yếu của Thành phố.
Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham dự Hội nghị. |
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TP.HCM cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng, toàn hệ thống chính trị cần phải tăng cường các hoạt động nhằm ghi nhận tối đa nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế; đi đôi với mục tiêu, bố trí nguồn ngân sách đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM thông tin, đến nay theo báo cáo của các quận, huyện, Thành phố đã giảm 24.601 hộ nghèo, tỉ lệ kéo giảm đạt 0,99% và giảm 36.498 hộ cận nghèo, tỉ lệ kéo giảm đạt 1,48%. Thành phố còn 3.128 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,13% tổng hộ dân Thành phố và 15.197 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 0,62% tổng hộ dân Thành phố.
Về định hướng thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Theo Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND TP.HCM quy định chuẩn nghèo đa chiều giai 2021 – 2025, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo có thu nhập từ 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, về mức chuẩn nghèo cả nước theo Nghị định số 07/2021 của Chính phủ xác định trong giai đoạn 2022 – 2025, chuẩn nghèo tại khu vực nông thôn là gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 18 triệu đồng/người/năm, hộ chuẩn nghèo tại khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập từ 24 triệu đồng/người/năm. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô