Biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu

(Xây dựng) – Mới đây, Hội đồng khoa học Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức đánh giá luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Phong với đề tài “Biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam”.

bien doi khong gian kien truc lang dan toc co tu
Toàn cảnh Hội đồng khoa học Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá luận án Tiến sĩ với đề tài “Biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam”.

Hội đồng khoa học cấp cơ sở gồm có 7 thành viên, GS.TS.Nguyễn Quốc Thông làm Chủ tịch Hội đồng. Tại buổi lễ bảo vệ luận án, các thành viên trong Hội đồng khoa học đánh giá cao chất lượng khoa học và những kết quả nghiên cứu thực tiễn của đề tài. Luận án có đóng góp lớn giá trị về học thuật, có thể làm cơ sở cho các đề xuất bảo tồn, chính sách đặc thù cho phát triển không gian kiến trúc làng Cơ Tu theo hướng bền vững.

Đề tài luận án lựa chọn hướng nghiên cứu không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu là sự lựa chọn phù hợp với những yêu cầu bảo tồn các giá trị truyền thống trong định hướng phát triển kiến trúc; phù hợp với việc tạo dựng dấu ấn bản sắc đặc trưng vùng miền trong sự phát triển, xây dựng kiến trúc, quản lý đô thị và nông thôn. Chủ đề nghiên cứu đã thể hiện sự tìm tòi, phát hiện về giá trị và tích hợp các kiến thức liên ngành như văn hóa kiến trúc, kiến trúc tộc người, hình thái kiến trúc…

Hội đồng đánh giá: Luận án sẽ góp phần giải quyết những vấn đề nhức nhối trong quản lý quy hoạch – kiến trúc các khu vực cư trú tộc người của địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Đó là hướng tới hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn đang thiếu sót ở các khu định cư của dân tộc Cơ Tu nói riêng và các tộc người ở nhiều khu vực khác nói chung; bố trí và sắp xếp tái định cư theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam mà vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân.

bien doi khong gian kien truc lang dan toc co tu
Hội đồng đánh giá luận án có thể làm cơ sở cho các đề xuất bảo tồn, chính sách đặc thù cho phát triển không gian kiến trúc làng Cơ Tu theo hướng bền vững.

Các nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án đã đạt được những mục tiêu đặt ra, bao gồm: Nhận diện đặc điểm biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam; Dự báo biến đổi trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; Đề xuất định hướng không gian kiến trúc theo hướng phát triển tiếp nối, đảm bảo nâng cao điều kiện định cư; Phát triển hài hòa thân thiện, duy trì giá trị văn hóa đặc trưng.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế Viện Kiến trúc quốc gia, TS.Tạ Thị Hoàng Vân chia sẻ: “Trong công tác đào tạo, chúng tôi hướng tới phát huy vai trò, chức năng của Viện trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc có sự kết hợp nghiên cứu liên ngành. Luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của nghiên cứu sinh; có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu; giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học trong thực tiễn kinh tế – xã hội”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích