Các bệnh viện đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ y tế miền Trung khi có bão lũ

Các bệnh viện đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ y tế miền Trung khi có bão lũ

MTĐT –  Thứ ba, 27/09/2022 17:31 (GMT+7)

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM (như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Hà Nội, BV Đại học Y Dược TP.HCM…) chuẩn bị phương án sẵn sàng tham gia hỗ trợ y tế miền Trung khi có lệnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Chiều 26/9, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tại địa bàn chịu ảnh hưởng của bão lũ (các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận) khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, cụ thể là:

  • Di chuyển, sơ tán các đơn vị cấp cứu, hồi sức tích cực, người bệnh nặng cần thở máy, chạy thận…;
  • Vận chuyển di dời các máy móc, thiết bị y tế cấp cứu, hồi sức, hồ sơ bệnh án… đến khu vực cao, tránh bị ngập lụt;
  • Bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ;
  • Bảo đảm nguồn điện nước dự phòng, bảo đảm thông suốt về thông tin liên lạc với các đơn vị hỗ trợ và cơ quan quản lý trực tiếp.

Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bản Hà Nội, Thành phố Hồ Chi Minh (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh…) chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ. Cụ thể như sau:

– Nhân lực: Cử 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng/kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn…;

– Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ;

– Sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.

Bản tin cập nhật lúc 20h tối 26/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo từ sáng 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.

Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: từ đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Cảnh báo mưa lớn: từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Cấp độ rủi ro thiên tai:

  • Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Cấp 4
  • Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: Cấp 3.

Bảo My (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích