Tăng cường quản lý rác thải y tế phát sinh từ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM
Tăng cường quản lý rác thải y tế phát sinh từ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM
UBND TP. HCM vừa có văn bản gửi Sở TN&MT, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị liên quan về việc quản lý rác thải y tế phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo văn bản, UBND TP.HCM giao UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 và các loại rác y tế nguy hại khác theo những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ TN&MT. Việc giám sát này được thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương, tại hộ gia đình và các khu vực thuộc địa bàn quản lý có hoạt động phát sinh rác thải y tế, không để trộn lẫn với chất thải rắn sinh hoạt thông thường.
Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung theo quy định. Trong đó, chú trọng việc kiểm tra, phân loại, thu gom, bố trí các nguồn lực, tập kết rác, theo dõi thống kê khi chuyển giao rác y tế lây nhiễm… và các yêu cầu khác theo chức năng nhiệm vụ đã được UBND Thành phố phân công trong công tác quản lý rác thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương.
Sở Y tế được giao chủ trì thông tin, giải thích chuyên ngành và hướng dẫn chi tiết việc phân loại, bảo quản lưu giữ, khử khuẩn,… các loại chất thải y tế phát sinh của F0 được cách ly tại nhà cho người dân thành phố nắm rõ thông tin triển khai…
Sở TN&MT có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra các đơn vị có chức năng xử lý rác y tế nguy hại đang hoạt động trên địa bàn, đảm bảo triển khai công tác vận chuyển, xử lý rác y tế nguy hại theo các quy định đã ban hành. Bên cạnh đó, Sở TN&MT phải có văn bản đề nghị các đơn vị xử lý rác y tế nguy hại thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong giấy phép hoạt động xử lý rác thải nguy hại do Bộ TN&MT cấp phép, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường và y tế hiện hành.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phải triển khai kế hoạch chi tiết, chịu trách nhiệm nhanh chóng tiến hành xử lý khối lượng rác thải đang lưu chứa tạm tại hồ trong công trường Đông Thạnh, xác định lộ trình thời gian xử lý triệt để khối lượng rác đang lưu chứa (tiến hành làm sạch, cải tạo hồ và trả lại hiện trạng ban đầu).
Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, TP.HCM có 8 bệnh viện hồi sức Covid-19; 74 bệnh viện điều trị Covid-19 (24 bệnh viện dã chiến và 50 bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị Covid-19); 99.000 F0 cách ly tại nhà và 270 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức… khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh hằng ngày rất lớn, đỉnh điểm trung bình tháng 9/2021 là 147,79 tấn/ngày.
Nhằm bảo đảm công tác quản lý, điều phối việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT TP.HCM đã nghiên cứu, đề xuất và triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách. Trong đó, Sở đã huy động nhân lực, vật lực toàn ngành TN&MT trong và ngoài khu vực Nhà nước nên đã không xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ chất thải, đặc biệt tại các khu điều trị bệnh nhân Covid-19, các khu phong tỏa, cách ly, từ đó, góp phần giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 4 đơn vị tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế gồm: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố; Công ty CP Môi trường Việt Úc; Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu; và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh. Tổng công suất xử lý (đốt trong các lò đốt chất thải nguy hại) của 4 đơn vị: 159 tấn/ngày; tổng số phương tiện tham gia thu gom, vận chuyển: 114 phương tiện các loại; tổng số công nhân tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý: 717 người.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, Sở đã xây dựng kế hoạch về quản lý rác thải y tế trong giai đoạn bình thường mới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị