Cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh
(Xây dựng) – Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, thiệt hại tài sản sơ bộ ước tính 537 tỷ đồng; xảy ra 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người. Đặc biệt gần đây, hai vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán Karaoke ở Hà Nội và Bình Dương cho thấy thiệt hại về người là rất nghiêm trọng. Điều này cho thấy cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh để tránh những vụ việc đáng tiếc nữa xảy ra.
Cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh để tránh những vụ việc đáng tiếc nữa xảy ra (Ảnh: Internet). |
Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.517 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, còn có 2.769 vụ sự cố liên quan đến cháy (không thuộc diện phải thống kê như chập thiết bị điện trên cột điện, cháy cỏ, rác do nắng nóng…).
Phân tích về tình hình cháy thì số vụ cháy tại thành thị chiếm đến 60,37%, tại nông thôn chiếm 39,63%. Về cơ sở bị cháy thì loại hình nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm tỉ lệ cao nhất, trên 45%. Nguyên nhân cháy ở loại hình này chủ yếu là do hệ thống và thiết bị điện gặp sự cố chiếm trên 45% số vụ. Thiệt hại do cháy ở loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh trong thời gian vừa qua là rất nghiêm trọng. Trong thời gian vừa qua, đối tượng nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ chuyển đổi công năng sang nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, hoặc hoàn toàn để kinh doanh (buôn bán tạp hóa, sản xuất, karaoke, vũ trường…) xảy ra cháy và đã để lại hậu quả vô cùng to lớn liên quan đến sinh mạng con người.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng cho biết, qua rà soát thực tiễn cho thấy các cơ sở Karaoke, vũ trường được hình thành dựa trên hai đối tượng công trình xây dựng. Thứ nhất là công trình xây dựng mới. Đây là loại công trình hình thành từ dự án đầu tư để kinh doanh karaoke, vũ trường. Với loại công trình xây mới này, ngay từ khi lập dự án đã phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, thiết kế, thẩm duyệt PCCC, xin Giấy phép xây dựng, xây dựng, nghiệm thu công trình đều phải tuân thủ Luật Xây dựng và các luật khác liên quan. Sau đó được cơ quan Quản lý hoạt động Văn hóa ở địa phương kiểm tra cấp phép mới được hoạt động. Theo Nghị định 54/2019/NĐ-2019 của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường thì một trong các điều kiện phải có là “Phải đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”.
Theo quy định này thì quá trình hình thành một cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được kiểm soát rất chặt về phòng cháy chữa cháy. Khi thiết kế đã phải tính đến khoảng cách lối thoát nạn khi có sự cố cháy nổ, số lối thoát nạn, kích thước cửa thoát nạn, cầu thang không nhiễm khói, vật liệu có tính năng chống cháy, vị trí để can thiệp từ bên ngoài cho lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp cận… Tất cả các quy định này được hướng dẫn cụ thể trong Quy chuẩn xây dựng 06 QCVN:2021 của Bộ Xây dựng. Ngoài các cơ sở này còn phải tuân thủ các quy định về PCCC của Bộ Công an như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động, bình cứu hỏa… Tuy nhiên qua báo cáo của một số địa phương thì việc cấp phép xây dựng cho các công trình xây mới với mục đích để kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là rất ít, hầu như không có.
Thứ hai là công trình được cải tạo để kinh doanh karaoke, vũ trường. Theo nhận định của một số chuyên gia, số lượng cơ sở karaoke, vũ trường đang hoạt động thì có đến 95% hoạt động trên cơ sở các công trình được cải tạo từ nhà ở riêng lẻ, trụ sở của cơ quan, nhà máy cũ… Theo quy định của Luật Xây dựng, việc cải tạo mà làm thay đổi công năng sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, an toàn cháy nổ và môi trường thì phải được cấp phép sửa chữa cải tạo.
Tuy nhiên, qua báo cáo của một số địa phương, hầu hết các công trình cải tạo để làm cơ sở karaoke, quán ba, vũ trường không xin cấp phép xây dựng tại các cơ quan có thẩm quyền địa phương. Vì không xin phép nên các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cần tuân thủ nêu trong quy chuẩn QCVN06: 20121 (2019, 2010) và các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác bị bỏ qua.
Nhưng câu hỏi là tại sao các cơ sở này vẫn được Cơ quan Quản lý hoạt động văn hóa ở địa phương cấp phép hoạt động? Thực tế hiện nay, cơ quan có thẩm quyền về quản lý hoạt động karaoke, vũ trường ở địa phương căn cứ vào quy định của Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vu karaoke, dịch vụ vũ trường để cấp, trong 4 điều kiện đổi với loại hình kinh doanh karaoke (5 điều kiện với loại hình kinh doanh vũ trường) thì không có yêu cầu cung cấp Giấy phép xây mới, cải tạo xây dựng. Tuy nhiên điều kiện tiên quyết là giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan chuyên môn Bộ Công an quy định, cấp là được phép hoạt động, trong đó có yêu cầu đảm bảo về PCCC.
Tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở có nguy cơ cao. |
Cũng theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, để hạn chế cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường cũng như loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, các Bộ/ngành liên quan cần triển khai đồng thời hai nhóm giải pháp. Về ngắn hạn, chính quyền địa phương căn cứ vào các quy định của pháp luật về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy cũng như sự phân cấp trong quy định của pháp luật để kiểm soát, giám sát việc sửa chữa, thay đổi công năng công trình, đảm bảo an toàn cháy thông qua việc cấp phép xây dựng. Đối với loại hình kinh doanh karaoke, vũ trường thì cơ quan về PCCC ở địa phương cần kiểm tra các cơ sở này tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Cơ quan quản lý hoạt động văn hóa tại địa phương trước khi cấp Giấy phép hoạt động cho cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường cần kiểm tra Chứng nhận cơ sở an toàn PCCC và các quy định liên quan khác. Cần có kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở này về đảm bảo điều kiện an toàn cháy và cứu hộ cứu nạn. Bắt buộc phải diễn tập sơ tán khi sự cố cháy xảy ra với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở có nguy cơ cao.
Về lâu dài, Bộ Xây dựng cần ban hành các hướng dẫn chi tiết hơn, quy định rõ thế nào là nhà chuyển đổi công năng để áp vào quy định về cấp giấy phép cải tạo công trình phục vụ kinh doanh loại hình karaoke, vũ trường và các đối tượng công trình nhà ở kết hợp kinh doanh khác. Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thiết kế công trình đặc thù có chức năng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và nhà ở kết hợp kinh doanh. Nghiên cứu đưa vào pháp luật về nhà ở để cấm các loại hình kinh doanh dịch vụ, karaoke, vũ trường trong khu vực công trình có chức năng ở hoặc phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường…
PGS.TS Vũ Ngọc Anh cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét sửa Nghị định 54/2019/NĐ-2019 của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trong đó thêm quy định: Hồ sơ xin cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải có Giấy phép xây dựng kèm theo (xây mới hoặc cải tạo). Đây là cơ sở để cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm soát sự tuân thủ các quy định về an toàn chịu lực, an toàn cháy… trong quá trình thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình.
Nguồn: Báo xây dựng