Khắc phục bất cập trong thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được quan tâm, chú trọng, góp phần bảo đảm vệ sinh, cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do công tác đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước.

khac phuc bat cap trong thu gom va xu ly chat thai ran sinh hoat
Công nhân vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh thu gom rác thải sinh hoạt. (Ảnh NGUYỄN QUỲNH)

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền trung và Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Hồng Sơn, những năm qua, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, tính chất và thành phần phức tạp, trong đó thành phần chất thải nhựa cao. Trong giai đoạn 2016-2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh, thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 30.807 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 20.778 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải nhựa khoảng 10-12%. Ðối với khu vực miền trung và Tây Nguyên, theo thống kê năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phát sinh khoảng 8.500 tấn/ngày. Riêng Ðà Nẵng, năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1.027 tấn/ngày.

Tuy nhiên, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và vẫn mang tính khuyến khích. Một số địa phương thực hiện thí điểm phân loại tại nguồn với quy mô lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ (riêng khu vực miền trung và Tây Nguyên mới chỉ có 4/14 tỉnh, thành phố gồm Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Ðịnh và Quảng Nam đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn). Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả; vẫn còn 17% lượng rác thải nông thôn chưa được thu gom và thải bỏ ra môi trường chung quanh. Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến; 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã; 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt. Rác thải điện tử, chất thải nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông chưa được thu gom, xử lý đúng cách; Ước tính có gần ba triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2020, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.

Tại Hà Nội, theo số liệu của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại trên địa bàn các huyện. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ được gần 3.900 tấn (chiếm 72%). Một số huyện như: Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ…, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận, những xã xa trung tâm chưa thu gom được rác thải về xử lý tập trung. Lượng rác thải chôn lấp tại chỗ nằm rải rác tại các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Tại 18 huyện, vẫn còn khoảng 304 điểm rác tồn đọng, với tổng lượng rác thải lưu cữu ước 65.000 tấn. Thêm nữa, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ vẫn diễn ra hằng ngày. Ngay tại trung tâm Hà Nội, khi thí điểm thu rác bằng xe cơ giới, vẫn còn 10% số hộ dân chưa cho rác vào túi kín; vẫn còn hộ bỏ rác không đúng giờ, vứt ra hè khi xe thu gom đã đi qua.

Thực tế nêu trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô thu gom và xử lý rác thì chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhất là tại các bãi chôn lấp. Gần đây, Nhà nước đã ban hành bốn văn bản pháp luật gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NÐ-CP quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 45/2022/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định thực hiện một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia bốn văn bản pháp luật nêu trên đề ra hai chính sách về “giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích rác thải sau khi đã phân loại; hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, đơn vị thải dưới 300kg/ngày phải phân rác thành ba loại (hữu cơ, vô cơ và độc hại); sẽ xử phạt hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, đơn vị không phân loại rác và không xử dụng bao bì chứa theo đúng quy định thì bị phạt từ 500 nghìn đến 1triệu đồng. Như vậy, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, đơn vị phải thực hiện ba việc, cụ thể gồm: Mua bao bì chứa rác theo quy định; phân loại rác tại nguồn và chuyển giao rác thải cho đơn vị dịch vụ.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, mục tiêu đến năm 2024 khó thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, xử phạt vi phạm hành chính việc không phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa rác đúng quy định. Nguyên do người dân chưa có nhận thức đầy đủ về thu gom phân loại rác tại nguồn. Từ đó sẽ phát sinh các hiện tượng đổ rác sang nhà khác, đổ ra đường giao thông, ao hồ, sông suối, nơi công cộng…; UBND cấp xã/phường thiếu nguồn lực để theo dõi, phát hiện, lập biên bản, xử phạt người vi phạm; Ðơn vị dịch vụ phải xây dựng nhiều điểm tập kết rác, có nhân lực cân rác, viết hóa đơn thu tiền theo khối lượng hoặc trọng lượng…

Ðể khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rất cần được triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhà nước và các địa phương cần thống nhất đầu mối huy động hiệu quả các đơn vị áp dụng những công nghệ xử lý tiên tiến tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn phục vụ chung cho các đô thị. Cần xác định lộ trình từ nay đến năm 2024 tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu tiền theo khối lượng hoặc trọng lượng rác và xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm không phân loại rác. Quy hoạch xây dựng các điểm thu gom rác hợp lý, thuận tiện và bảo đảm cảnh quan môi trường; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa diễn ra rất nhanh, khiến tỷ lệ lượng rác thải tăng 10-16%/năm, trong khi hạ tầng chưa theo kịp. Thí dụ, về khâu quy hoạch, khâu dự báo để quy hoạch, các khâu từ tập kết, đưa về các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, mưa gió khiến rác rò rỉ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, hoặc phát tán, gây ô nhiễm không khí.

Nguyễn Thượng Hiền
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường,
Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích