Bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

(TN&MT) – Nửa đầu năm 2022, bất động sản (BĐS) công nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu tốt. Đây vẫn sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

bds-cn.jpg
BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng bền vững

Theo báo cáo tiêu điểm thị trường BĐS Việt Nam 8 tháng năm 2022 của Savills Việt Nam, Việt Nam có 563 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 210.900ha được quy hoạch. Đến nay có 406 KCN đã hoạt động. Savills đánh giá, con số này cần được cải thiện trong vài năm tới vì nhu cầu thuê của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Do đó, BĐS KCN tại Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng bền vững.

Số liệu thông kê của Savills Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Việt Nam hiện nay đạt 70,9%, tương đương với mức cuối năm 2020. Trong đó, các KCN tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai còn rất ít diện tích trống. Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là điểm đến đầu tư thay thế nhờ nguồn cung tốt. Hiện tỷ lệ lấp đầy tại 6 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam ghi nhận mức 84% với giá thuê trung bình xấp xỉ 3,5 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê 50 năm.

Ông John Campbell – Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, mặc dù khu vực này còn một số khó khăn về kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng nhưng vấn đề này sẽ sớm được khắc phục khi các dự án giao thông như đường Vành đai II và III cũng như Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Đối với nguồn cung xây sẵn, giá thuê từ đầu năm đến nay ghi nhận ở mức trung bình 140.000 đồng/m2/tháng với công suất đạt 88%.

TP.HCM tiếp tục là thị trường có giá cho thuê cao nhất, tiếp đến là Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Nhiều dự án KCN xây sẵn được phát triển tại khu vực phía Nam trong thời gian gần đây đến từ các chủ đầu tư lớn như BWID, KTG… Theo ông John Campbell, mặc dù sự quan tâm đến các KCN của Việt Nam rất cao nhưng cần có sự điều chỉnh lại để có mô hình phát triển phù hợp hơn. Phần lớn quỹ đất công nghiệp đều được tận dụng cho mục đích sản xuất thay vì phân bổ thêm để xây dựng các cơ sở hậu cần hay công trình phụ trợ.

“Các KCN mới được kỳ vọng sẽ có quy hoạch chi tiết hơn, phân bổ diện tích cho chức năng về hậu cần, thương mại, dịch vụ và các trung tâm dữ liệu. Mặt khác, Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện quy trình thực hiện các thủ tục thúc đẩy đầu tư, từ đó giúp các chủ đầu tư KCN phát triển thêm dự án mới dễ dàng hơn, giảm bớt thủ tục hành chính liên quan…”, ông John Campbell nhận định.

Bạn cũng có thể thích