“Nghệ thuật Xòe Thái” – Thông điệp về tình yêu

Thực hành văn hóa nổi bật này đã được chính thức ghi danh vào Danh sách đại diện của UNESCO tại kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào tháng 12 năm 2021. Tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” đêm 24/9, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã chia sẻ về ý nghĩa của quyết định ghi danh này. Theo bà Pauline Tamesis,di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, hay kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong di sản văn hóa của một cộng đồng.

“Nghệ thuật Xòe Thái” - Thông điệp về tình yêu
Mãn nhãn chương trình nghệ thuật tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái”.

Trong đó, nghệ thuật Xòe Thái giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của mọi người. Đó là những bước nhảy nhẹ nhàng hòa quyện với tiếng đàn, giọng hát, tiếng leng keng của những món trang sức bạc treo trên eo của phụ nữ dân tộc Thái. Nghệ thuật Xòe Thái là một nghệ thuật mang tính xã hội tập trung vào mối quan hệ giữa người và người. Nghệ thuật Xòe Thái nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống của mình, đó là những mối quan hệ sâu sắc mà chúng ta thiết lập với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào điệu múa này bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Do đó, đây thực sự là một loại hình nghệ thuật mang tính hòa nhập cao.

“Nghệ thuật Xòe Thái mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam. Việt Nam có 54 dân tộc, và mỗi dân tộc đều có những truyền thống và hình thức sinh hoạt văn hóa riêng. Sự kiện ngày hôm nay cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự đa dạng và tự do thực hành văn hóa của mỗi người dân trên đất nước Việt Nam. Chúng ta có thể coi sự ghi danh này là cơ hội để cập nhật các chính sách về biểu đạt văn hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, bà Pauline Tamesis cho biết.

Sau bài phát biểu, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trao Bằng của UNESCO cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngay sau đó tấm bằng đã trực tiếp được trao lại cho lãnh đạo và đại diện nghệ nhân dân gian của 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Khoảnh khắc này khiến tất cả mọi người có mặt tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái và người dân xem truyền hình cả nước vỡ òa cảm xúc. Tấm bằng không chỉ mang theo niềm vinh dự, tự hào của các nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái, người dân 4 tỉnh Tây Bắc mà còn là “ngọn đuốc soi đường” thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Sau nghi lễ đón Bằng, nhân dân và khán giả xem truyền hình cả nước cùng bước vào một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc để chiêm ngưỡng, trải nghiệm và cảm nhận những nét văn hóa độc đáo và tinh túy qua Chương trình nghệ thuật “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” với 3.000 diễn viên và người dân tham gia. Kết thúc chương trình nghệ thuật là vòng đại xòe bất tận. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, các nghệ nhân và nhân dân cùng nắm tay vui điệu xòe hoa của bản làng Tây Bắc.

Trong cơn mưa tầm tã sau khi kết thúc chương trình, bà con vẫn đội mưa xòe quanh đống lửa, ngân nga câu hát “Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi…”. Tổng đạo diễn chương trình Lê Hải Yến bật khóc vì hạnh phúc. Chị chia sẻ: “Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi trải qua nhiều cảm xúc như ngày hôm nay. Thời tiết của Mường Lò vào những ngày này mưa khủng khiếp, khó khăn vô cùng trong quá trình tập luyện. Nhiều ngày nay chúng tôi chỉ ngủ có 3 tiếng vì cứ hết mưa lại ra sân tập, hết mưa lại tiếp tục tập, rồi chưa kể mưa làm hỏng rất nhiều thiết bị vì làm toàn bộ trên sân vận động. Rất may cuối cùng chương trình đã thành công dù chưa hoàn hảo nhất nhưng là tốt nhất trong điều kiện có thể và chúng tôi đã khắc phục đến phút cuối cùng. Tôi tin những gì tận hiến từ trái tim sẽ đều chạm đến khán giả và họ sẽ yêu văn hoá của dân tộc Thái qua chương trình này”.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân – thiện – mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc. Tôn vinh nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam”./.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích