Trao giải Cuộc thi viết về “Bảo vệ Môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ II”
Trao giải Cuộc thi viết về “Bảo vệ Môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ II”
Sáng 27/9, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội, sau 3 tháng phát động.
Tham dự sự kiện có đại điện Bộ TN&MT, lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội, các quận/ huyện; các chuyên gia, đại diện các DN- nhà tài trợ,… Đặc biệt là sự có mặt của các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội .
Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành và TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi biến đổi khí hậu như: tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng môi trường không khí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn TP… Hay có thể kể đến nhà máy điện rác Thiên Ý, cho đến cuối năm, sẽ đốt đủ công suất 5 tổ máy phát điện có năng lực xử lý 4000 tấn rác khô/ ngày (tương đương 5000 tấn rác tươi/ ngày).
“Tôi đánh giá cao tất cả các tác phẩm và tác giả đã tham gia Cuộc thi. 525 tác phẩm tham gia đều được đầu tư bài bản, trình bày ở nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện bởi các chuyên gia, nhà báo, các cán bộ công nhân viên chức ở các đơn vị trên địa bàn, độc giả cả nước đã thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Thông qua cuộc thi lần thứ II, tôi mong muốn tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường Thủ đô với những hành động cụ thể, thiết thực. Cuộc thi này cũng là một trong những cơ hội để phát đi lời kêu gọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường cho Thủ đô của chúng ta, ngày càng xanh- sạch đẹp và văn minh.
Tại lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi lần thứ II, tôi chính thức kêu gọi người dân, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân tiếp tục tham gia Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội lần thứ III” được tổ chức trong năm 2022-2023. Tôi hy vọng, Cuộc thi lần thứ III sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng cao, có tính thời sự, đặc biệt phát hiện, đề xuất được những giải pháp có hiệu quả, cũng như nhân rộng cách làm hay, hành động đẹp, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường Thủ đô”. Ông Nguyễn Trọng Đông chia sẻ.
Cuộc thi có 525 tác phẩm tham dự, 16 tác phẩm đoạt Giải
Đây là lần thứ hai Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội” được báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT TP Hà Nội tổ chức, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội chủ trì, theo Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 12/01/2022 của TP Hà Nội. Cuộc thi đã tiếp nhận được 525 bài viết từ 317 tổ chức và cá nhân, với 19 loạt bài và 506 tác phẩm đơn lẻ. Trong đó có 13 loạt bài đăng tải trên các báo Trung ương và Hà Nội; 6 loạt bài đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị. Tác phẩm đơn lẻ đã có 81 bài được chọn đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị, 42 bài đăng tải trên các báo Trung ương và Hà Nội, thời gian đăng từ 1/7/2021-15/6/2022, được gửi tới Cuộc thi. Nội dung tác phẩm dự thi đã đáp ứng yêu cầu đặt ra của Cuộc thi, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau: Phản ánh, phóng sự, điều tra, Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory,…
Các tác phẩm dự thi tập trung vào 5 chủ đề chính: Thứ nhất là phản ánh và đề xuất các giải pháp xử lý rác thải theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Thứ 2 là phản ánh, biểu dương các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có các hoạt động nổi bật bảo vệ môi trường; Thứ ba là phản ánh về ô nhiễm không khí, sông hồ, làng nghề; Thứ tư là phản ánh về đô thị xanh; Thứ 5 là phản ánh về công tác quy hoạch cho lĩnh vực liên quan tới môi trường. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, tổ chức và người người dân trong việc bảo vệ môi trường Thành phố.
Chia sẻ về Cuộc thi, Trưởng Ban tổ chức – Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, Cuộc thi viết về “Bảo vệ Môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ II” năm 2021-2022, mặc dù diễn ra vào thời điểm dư âm của dịch Covid-19 trong đời sống, kinh tế – xã hội còn ảnh hưởng nặng nề, gây nhiều gián đoạn nên thời gian kể từ khi phát động đến khi kết thúc nhận bài chỉ hơn 3 tháng (11/3 – 15/6), nhưng kết quả Cuộc thi đạt được đã vượt ngoài mong đợi về cả quy mô, chất lượng nội dung và thành phần tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm, ủng hộ của độc giả cả nước với các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Cuộc thi lần này đã trải qua 2 vòng thi. Cụ thể: Ban tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn được 45/525 tác phẩm vào vòng sơ khảo. Hội đồng sơ khảo sau một tuần làm việc cũng đã chọn được 33/45 tác phẩm vào vòng chung khảo. Sau 10 ngày làm việc nghiêm túc và khách quan, công tâm, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 16 tác phẩm đạt giải thưởng.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, thời gian qua, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều phương án để ứng phó trước những tác động của biến đổi khí hậu; khắc phục tình trạng ô nhiễm về ô nhiễm môi trường nước, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn… Đồng hành cùng Thành phố, Báo Kinh tế và Đô thị thời gian qua cũng đã tuyên truyền sâu rộng trên các ấn phẩm của báo Kinh tế & Đô thị và đã mở chuyên trang về Môi trường, nhằm tuyên truyền sâu hơn về các lĩnh vực môi trường.
“Với tâm thức đó, Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP lần thứ II” cũng là một trong những cơ hội để phát đi thông điệp kêu gọi người dân, doanh nghiệp và các đồng nghiệp cùng nhau hãy nhân lên những hành động bảo vệ môi trường cho Thủ đô của chúng ta, ngày càng xanh- sạch đẹp và văn minh”, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Tính lan tỏa của Cuộc thi
Theo BTC, trong số 525 bài dự thi phải kể đến 19 loạt bài của các phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội; hàng chục tác phẩm của những cây bút không chuyên là cán bộ các sở ngành, quận, huyện trên địa bàn TP, nhất là địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong đó các loạt bài nêu bật lên các vấn đề môi trường hiện nay như: Xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công cộng, rác thải y tế, rác thải thực phẩm,…; ô nhiễm sông hồ; chất lượng không khí; gỡ nút thắt quy hoạch về môi trường; đô thị thị xanh, …
Điển hình là loạt bài 05 kỳ: “Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong cơn lốc đô thị hóa” của nhóm tác giả: Phạm Giang, Ngọc Ánh, Bùi Hằng, Nguyễn Cường, Hải Đăng, Ngạc Hiệp, Linh Chi đăng trên Tạp chí Kinh tế và Môi trường từ ngày 28/4/2022. Loạt bài phản ánh về thực trạng vấn đề san lấp, lấn chiếm, ô nhiễm ao, hồ trên địa bàn TP Hà Nội và đề xuất một số giải pháp từ các chuyên gia để Hà Nội giữ gìn, bảo tồn ao, hồ, bảo vệ những “lá phổi xanh” trên địa bàn Thành phố. Tác phẩm được đầu tư công phu, gây ấn tượng mạnh khi được trình bày dưới hình thức bài Longform với các hình ảnh mang tính báo chí cao, sắc nét ,.. làm rõ được tình trạng lấn chiếm ao hồ trên địa bàn Hà Nội dẫn tới những hệ luỵ không nhỏ về môi trường.
Trong số các loạt bài, không thể không kể tới loạt bài 05 kỳ của tác giả Trọng Tùng, đăng trên Kinh tế & Đô thị từ 19/5/2022: “Hệ thống thủy lợi đang bị ô nhiễm nặng”- một đề tài hay nhưng rất ít các báo khai thác sâu. Tác phẩm được phóng viên Kinh tế và đô thị đầu tư công phu, triển khai trong vòng 1.5 tháng; phản ánh về hiện trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn Hà Nội; những tác động của tình trạng này đến các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đánh giá nguyên nhân, chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, tác giả đã phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý thuộc các địa phương trên địa bàn Hà Nội để đưa ra những đề xuất giải pháp trước mắt, cũng như căn cơ, lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tiến tới quản lý tốt hơn nguồn nước trong hệ thống thuỷ lợi; góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ của người dân Thủ đô.
Cùng đó, phải kể đến loạt bài 04 kỳ “Sự nguy hiểm của “BỈM” khi thải ra môi trường” của nhóm tác giả: Nguyễn Tâm, Đào Xuân, Lê Hải, Ngọc Huy, Quang Vũ, đăng trên Chuyên trang điện tử truyền thông Pháp luật Plus – Báo Pháp Luật Việt Nam từ 20/4/2022. Tác phẩm thể hiện sự dày công của nhóm tác giả trong quá trình triển khai một đề tài với tâm điểm là sản phẩm “bỉm” hết sức gần gũi, tiện dụng, nhất là gia đình có con nhỏ nhưng sản phẩm này lại rất ảnh hưởng tới môi trường khi sử dụng xong. Dù vậy, lại chưa nhiều cơ quan báo chí nào phản ánh một cách bài bản như loạt bài này. Được biết, sau gần hai tháng nhóm phóng viên – tác giả thực hiện loạt bài này đã liên hệ làm việc với một số nhà sản xuất, nhà nhập khẩu nhưng chỉ nhận được là sự “chần chừ”, khước từ. Thông qua tác phẩm “Sự nguy hiểm của “Bỉm” khi thải ra môi trường” của chuyên trang Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam, nhằm tuyên truyền mọi người sẽ cân nhắc hơn trước khi lựa chọn sử dụng bỉm, tã dùng một lần cần có ý thức và giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường.
Tại Cuộc thi lần II này, Báo Nhân dân cũng tiếp tục tham gia với 3 tác phẩm (Báo Nhân Dân cũng là đơn vị có tác phẩm giành giải Nhất trong Cuộc thi lần thứ Nhất), trong đó có loạt bài 3 kỳ “Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu” của nhóm tác giả: Kiều Hương, Chí Dũng,Văn Toản, Đắc Sơn đăng trên Báo Nhân dân từ 6/6/2022. Điểm nổi bật của tác phẩm là đã “đánh” trúng vào trọng tâm mang tính vĩ mô của môi trường Thủ đô nhưng vẫn hàm chứa tính thời sự cao. Loạt bài đã phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của TP Hà Nội trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch, đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị… nhằm giảm tác động tiêu cực, ngày càng bất thường, khó lường của thời tiết, đồng thời thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phần đề xuất giải pháp của tác phẩm đưa ra lại không có gì nổi bật.
Ở tác phẩm “Những công nhân móc cống giữa trời đông” của nhóm tác giả: Hà Quân, Nguyễn Hiền, Nam Trần ( Báo Tuổi trẻ) cũng đã tạo ấn tượng mạnh với các hội đồng chấm giải. Tác phẩm thể hiện sự “dấn thân” của các nhà báo có nghề, từ nội dung phản ánh đến những hình ảnh đẹp, chất lượng về những công nhân thoát nước vất vả “thông cống” để thoát nước giữa trời mùa đông giá rét. Qua đó, tôn vinh vẻ đẹp trong lao động của những công nhân môi trường.
Nhìn chung, các tác phẩm mà tác giả là những nhà báo- cây bút chuyên nghiệp đều thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng, từ cách chọn chủ đề đến triển khai nội dung và hình thức thể hiện. Từ tác phẩm ““Đầu ra cho rác thải Hà Nội” của tác giả Mạnh Khánh – Trung Nguyên ( Báo Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam) tới “Để Hà Nội có những Thanh Khê Xuyên…” của nhóm tác giả: Nguyễn Minh Uyên, Trần Thu Thảo, Nguyễn Lê Tùng Phong (Chuyên trang Người Đưa tin của Tạp chí Đời sống &Pháp luật), Loạt bài 03 kỳ “Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải y tế” của tác giả Trần Thịnh An – Chuyên trang Pháp luật&Xã hội của Báo Kinh tế & Đô thị; Loạt bài 03 kỳ “Phân loại rác thải sinh hoạt tại Hà Nội” của tác giả Quang Vũ- Thảo Mộc (Báo Người đại biểu Nhân Dân), Loạt bài 04 kỳ “Tái chế rác thải – bao giờ hết manh mún?” của tác giả Vũ Khoa (báo Kinh tế & Đô thị),…
Trong số các bài gửi đến dự thi, không thể không nhắc không nhắc tới các tác phẩm của các chuyên gia, như: Tác phẩm “Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội: Để nguồn nước được tuần hoàn” của KTS Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội); “Quản lý chất thải rắn thông thường: Từ quy định pháp luật đến thực tiễn” của Luật sư Lê Văn Hợp – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT); “Xử lý chất thải y tế của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà” của PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050: Cần tích hợp xử lý chất thải rắn” của TS Nguyễn Thị Diễm Hằng (Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội); “Ba giải pháp kiểm soát khí thải xe máy” của chuyên gia giao thông – ThS Vũ Hoàng Trung; … Đây là những tác phẩm có chứa đựng hàm lượng khoa học nhất định với những đề xuất giải pháp cho vấn đề liên quan tới môi trường TP.
Một trong những thành công đáng ghi nhận của Cuộc thi, đó là bên cạnh những tác giả gạo cội là những chuyên gia, phóng viên, nhà báo, có khá nhiều gương mặt trẻ đã tích cực tham gia, trong đó có tác phẩm “Những bàn tay nhỏ” góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô” của hai bạn học sinh THPT (nhỏ tuổi nhất cuộc thi) Nguyễn Nguyệt Linh (học sinh trường Marie Curie Hà Nội) và Trần Vũ Gia Hân (học sinh trường chuyên Khoa học Xã hội Nhân văn). Hai bạn thuộc Nhóm Hà Nội Xanh –nhóm thực hiện các dự án môi trường ở lứa tuổi học sinh trên địa bàn Hà Nội. Bài viết chỉ đơn giản chia sẻ về những hành động bảo vệ môi trường của nhóm trên địa bàn TP và những dự định sắp tới nhưng thực sự đã chạm tới trái tim người đọc, truyền cảm hứng, lan tỏa hành động đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh của cộng đồng, nhất là trong giới học đường Hà Nội.
Cùng đó là hàng chục, hàng trăm bài dự thi của các cán bộ sở, ngành; các đơn vị công ích; cán bộ và người dân trên địa bàn TP … đã góp phần làm nên thành công của Cuộc thi lần thứ II. Trong đó có thể kể đến: Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp và PTNT TP Hà Nội ( 13 bài), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (20 bài), Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (61 bài); quận Hoàn Kiếm (56 bài), quận Tây Hồ (155);… Đáng nói, các bài viết tham dự theo phong trào lần này chất lượng tốt hơn lần trước, tiêu biểu là các bài dự thi của các cán bộ và Nhân dân các phường: Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Gai, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hàng Bạc, Phúc Tân, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Chương Dương,…trên địa bàn Hoàn Kiếm. Các bài viết phản ánh sinh động những sáng kiến, cách làm hay bảo vệ môi trường của Nhân dân sở tại.
Một “tác phẩm” khá đặc biệt tham dự Cuộc thi lần này đó là “Hãy là người công dân văn minh: Vì một Hà Nội xanh – sạch- đẹp” của chị Phạm Thị Hòa (Tổ môi trường 6, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hai Bà Trưng) dày đến 171 trang, chia sẻ dưới dạng bài viết và hình ảnh thực tế trong thời gian dài về công việc hàng ngày của từng công nhân trong tổ vệ sinh mà chị đang công tác ( địa bàn phường Quỳnh Lôi). Cùng đó, Chị cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục; những giải pháp, những việc mà cán bộ và Nhân dân phường Quỳnh Lôi đang làm để bảo vệ môi trường. Tác phẩm được in màu, trình bày công phu với bố cục rõ ràng từ bài giới thiệu tới hình ảnh, được Chị đóng thành quyển cẩn thận cho thấy tâm huyết của chị với công tác thu gom rác thải và bảo vệ môi trường. Tác phẩm dài nên không thể đăng báo nhưng “Hãy là người công dân văn minh: Vì một Hà Nội xanh – sạch- đẹp” thực sự là cuốn tư liệu quý để có thể khai thác trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Cuộc thi cũng đã nhận được một tác phẩm dự thi “Bảo vệ môi trường từ những thước phim ngắn” của anh Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong (Trưởng phòng Quan hệ Công chúng, Khu nghỉ dưỡng Radisson Blu Resort Hoi An, TP Đà Nẵng). Dù tác phẩm của anh khá ngắn nhưng có thể nói đây là gợi ý đáng lưu ý trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường của Hà Nội.
Nhìn chung, những tác phẩm của các tác giả không chuyên dù vẫn còn nhiều bài chưa phù hợp để đăng trên các ấn phẩm báo chí nhưng đều đã thể hiện sự trách nhiệm, nhiệt huyết của tác giả đối với công tác bảo vệ môi trường Thủ đô. Điều đó cho thấy, sức hút của cuộc thi ngày càng hấp dẫn hơn, có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ, lớp người làm chủ, thay đổi tương lai vận mệnh đất nước cùng chung tay xây dựng một môi trường Thủ đô ngày càng văn minh, xanh –sạch – đẹp
Danh sách 16 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về “Bảo vệ Môi trường thành phố Hà Nội lần thứ II”:
– 01 Giải Nhất: Tác phẩm (05 kỳ) ” Ao, hồ tại Hà Nội bị “gặm nhấm” trong cơn lốc đô thị hóa” của nhóm tác giả: Phạm Giang, Ngọc Ánh, Bùi Hằng, Nguyễn Cường, Hải Đăng, Ngạc Hiệp, Linh Chi (tạp chí Kinh tế Môi trường). Trị giá giải thưởng là 15 triệu đồng và Giấy Chứng nhận giải của Ban tổ chức.
– 02 giải Nhì: 1.Tác phẩm (05 kỳ) “Hệ thống thủy lợi đang bị ô nhiễm nặng” của tác giả Trọng Tùng (Báo Kinh tế& Đô thị); 2.Tác phẩm (03 kỳ) “Hà Nội trên hành trình hướng đến đô thị xanh” của nhóm tác giả: Đức Hà, Phạm Thảo, Bảo Thoa ( Báo Lao động Thủ đô). Trị giá giải thưởng là 10 triệu đồng/giải và Giấy Chứng nhận giải của Ban tổ chức.
– 03 giải Ba: 1..Tác phẩm “Những công nhân móc cống giữa trời đông” của nhóm tác giả: Hà Quân, Nguyễn Hiền, Nam Trần ( Báo Tuổi trẻ); 2.Tác phẩm (04 kỳ) “Tái chế rác thải – bao giờ hết manh mún?” của tác giả Vũ Khoa (Báo Kinh tế& Đô thị); 3.Tác phẩm (04 kỳ) “Sự nguy hiểm của “BỈM” khi thải ra môi trường” của nhóm tác giả: Nguyễn Tâm, Đào Xuân, Lê Hải, Ngọc Huy, Quang Vũ (Chuyên trang điện tử truyền thông Pháp luật Plus – Báo Pháp Luật Việt Nam). Trị giá giải thưởng là 07 triệu đồng/giải và Giấy Chứng nhận giải của Ban tổ chức.
10 giải Khuyến khích: 1.Tác phẩm (05 kỳ) “Bãi rác Nam Sơn – những nút thắt cần tháo gỡ” của nhóm tác giả: Trọng Tùng- Vân Nhi- Linh Dương (Báo Kinh tế&Đôthị); 2.Tác phẩm “Đầu ra cho rác thải Hà Nội” của tác giả Mạnh Khánh – Trung Nguyên (Báo Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam); 3.Tác phẩm (03 kỳ) “Phân loại rác thải sinh hoạt tại Hà Nội” của tác giả Quang Vũ – Thảo Mộc (Báo Đại biểu Nhân dân); 4.Tác phẩm (03 kỳ) “Để rác thải thành tài nguyên” của tác giả Hoàng Sơn – Nguyễn Mai (Báo Hà Nội Mới); 5.Tác phẩm “Để Hà Nội có những Thanh Khê Xuyên…” của nhóm tác giả: Nguyễn Minh Uyên, Trần Thu Thảo, Nguyễn Lê Tùng Phong (Chuyên trang Người Đưa tin của Tạp chí Đời sống &Pháp luật); 6.Tác phẩm (03 kỳ) “Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải y tế” của tác giả Trần Thịnh An (chuyên trang Pháp luật&Xã hội của Báo Kinh tế&Đô thị); 7.Tác phẩm (03 kỳ) “Giải mã tình trạng ngập úng ở Thủ đô” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hòa (Báo Tuổi trẻ Thủ đô); 8.Tác phẩm “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050: Cần tích hợp xử lý chất thải rắn” của TS Nguyễn Thị Diễm Hằng (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội); 9.Tác phẩm (03 kỳ “Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu “ của nhóm tác giả: Kiều Hương, Chí Dũng, Văn Toản, Đắc Sơn (Báo Nhân dân); 10.Tác phẩm “Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm: Sớm hiện thực hóa mục tiêu phân loại rác tại nguồn” của Thạc sĩ Lê Thị Trà My (Cán bộ UBND Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm). Trị giá giải thưởng là 05 triệu đồng/giải và Giấy Chứng nhận giải của Ban tổ chức.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao Giấy Chứng nhận khen thưởng và 01 triệu đồng/em cho em Nguyễn Nguyệt Linh (học sinh trường Marie Curie Hà Nội) và em Trần Vũ Gia Hân (học sinh trường chuyên Khoa học Xã hội Nhân văn)- thuộc nhóm Hà Nội Xanh vì đã góp phần thắp lên hành động đẹp bảo vệ môi trường Thủ đô.
Trong khuôn khổ Cuộc thi, UBND Thành phố đã trao Bằng khen cho 02 cá nhân và 03 tập thể đã có đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường của TP và sự thành công của Cuộc thi.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ trao giải:
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị