Mối quan hệ giữa giá dầu diesel và mức độ ô nhiễm không khí

Mối quan hệ giữa giá dầu diesel và mức độ ô nhiễm không khí

Bắc Lãm (lược dịch) –  Thứ hai, 26/09/2022 10:26 (GMT+7)

Những phát hiện đã cung cấp bằng chứng chứng minh những thay đổi về giá của nhiên liệu gây ô nhiễm hơn (dầu diesel) có thể tác động đáng kể đến mức độ PM2.5 ở các thành phố lớn của Việt Nam.

Nhằm điều tra mối liên quan giữa giá nhiên liệu cao hơn và nồng độ PM2.5 ở Việt Nam, trên Journal of Cleaner Production, ngày 10/8/2022, nhà nghiên cứu Trịnh Mạnh Hùng cùng các cộng sự là các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã công bố nghiên cứu “Giá dầu diesel cao hơn đi kèm với mức độ ô nhiễm thấp hơn: Bằng chứng từ Việt Nam”.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Trong nghiên cứu trên, dữ liệu hàng ngày về nồng độ bụi PM2.5 tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và giá các loại nhiên liệu khác nhau đã được thu thập trong hai năm (2016 – 2017). Một mô hình hồi quy tuyến tính đã được thực hiện để đánh giá mối liên quan giữa PM2.5 và giá nhiên liệu, bao gồm cả hiệu ứng trễ trong tối đa mười ngày. Các tác động theo mùa và dài hạn lên PM2.5 được kiểm soát bằng cách sử dụng hàm spline lập phương tự nhiên của thời gian với ba bậc tự do mỗi năm.

Kết quả, cứ mỗi lần tăng 1.000 đồng giá dầu diesel, thì PM2.5 tại Hồ Chí Minh đã giảm 2,7% (95% CI: -8,0, 2,7) và 13,4% (95% CI: -22,3, -4,5) tại Thành phố Hà Nội. Ngược lại, thống kế cho thấy, không có sự liên quan giữa giá xăng (cả RON-95 và RON-92) và PM2.5 ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Những phát hiện này cung cấp bằng chứng chứng minh những thay đổi về giá của nhiên liệu gây ô nhiễm hơn (dầu diesel) có thể tác động đáng kể đến mức độ PM2.5 ở các thành phố lớn của Việt Nam. Nghiên cứu của các nhà khoa học cung cấp những quan điểm có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng các chính sách môi trường liên quan đến các loại nhiên liệu tiêu thụ khác nhau.

Giao thông vận tải góp phần lớn gây ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí xung quanh góp phần đáng kể vào cả sức khỏe và gánh nặng kinh tế trên toàn cầu. Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm cho biết, năm 2016, nền kinh tế thế giới mất khoảng 3,3 nghìn tỷ USD phúc lợi do tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh và hộ gia đình. Trong cùng năm đó, 4,2 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xung quanh và 91% đến từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ô nhiễm không khí đang trở nên nghiêm trọng hơn ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Châu Á và Khu vực Thái Bình Dương, với khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương chiếm khoảng 31% tổng số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xung quanh.

Theo WHO, ngành giao thông vận tải là một trong những ngành góp phần lớn gây ô nhiễm không khí xung quanh; 70% tổng ô nhiễm không khí ở các đô thị là do đốt nhiên liệu. Vật chất dạng hạt (PM2.5), một trong những thành phần chính của khí thải xe, có thể được coi là chất gây ô nhiễm không khí có hậu quả nhất liên quan đến ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một nghiên cứu đáng tin cậy của Shaddick và cộng sự năm 2020 đã chỉ ra, hơn 90% dân số toàn cầu sống ở các khu vực có nồng độ PM2.5 cao hơn mức hướng dẫn của WHO. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phơi nhiễm PM2.5 không chỉ liên quan đến các bệnh mạch máu não, thiếu máu cơ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như bệnh thận mãn tính, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.

Trước đó, năm 2014 nhà khoa học Barnett và Knibbs cũng cho rằng ô nhiễm khí thải giao thông có thể được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng giống như hút thuốc. Do đó, bằng cách tăng giá có thể giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu giao thông. Các tác giả tương tự đã chỉ ra rằng việc tăng giá trong thời gian ngắn có liên quan đến chất lượng không khí được cải thiện. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới (WB) cũng chứng minh, việc thực hiện định giá carbon trong lĩnh vực giao thông ở British Columbia, Canada, đã cho thấy mức sử dụng nhiên liệu giảm 19% trên đầu người sau 4 năm.

Do đó, các tác giả nghiên cứu mong muốn xem xét liệu sự thay đổi giá nhiên liệu có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở một nước đang phát triển như Việt Nam hay không.

Giá nhiên liệu ảnh hưởng tới ô nhiễm không khí các nước trên thế giới

Nhiều nghiên cứu đã điều tra mối liên hệ giữa giá nhiên liệu và các yếu tố ô nhiễm và các báo cáo đều cho kết quả tích cực. Ví dụ, một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy giá dầu tăng 1% đã làm giảm lượng PM10, SO2, O3 và CO tương ứng là −0,315 μg / m3, 0,260 ppb, 0,121 ppb và 9,498 ppb. Giá xăng và dầu diesel tăng dẫn đến lượng CO, NO2 và PM10 giảm đáng kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, thông tin về mối liên quan giữa PM2.5 và giá nhiên liệu khác nhau đáng kể giữa các nghiên cứu. Xu hướng PM2.5 giảm không đáng kể khi giá xăng và dầu diesel tăng ở New Zealand và Úc. Ngược lại, ở Trung Quốc, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ tiêu cực đáng kể giữa giá xăng và dầu diesel và PM2.5, trong khi họ lại nhận thấy mối liên hệ tích cực giữa giá dầu thô quốc tế và PM2.5 trong ngắn hạn.

Các nhà khoa học lưu ý rằng phần lớn các nghiên cứu được thực hiện ở các nước có thu nhập cao, nơi hầu hết các phương tiện là ô tô có bộ chuyển đổi xúc tác, trong khi ở nhiều nước thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam, xe máy là chủ yếu, nơi có tỷ lệ phát thải khí thải chất ô nhiễm cao hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu thêm là rất cần thiết.

Giá nhiên liệu ảnh hưởng tới ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đông dân ở Đông Nam Á, với hơn 96 triệu dân vào năm 2019. Theo điều tra của VRTC năm 2018, do có 3,3 triệu ô tô và hơn 58 triệu xe máy ở Việt Nam, do đó, khí thải từ các phương tiện giao thông góp phần khá lớn trong việc gây ô nhiễm không khí đô thị.

Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm PM2.5 ở các thành phố lớn là mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng do những thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế và sức khỏe con người.

Theo số liệu điều tra của IHME năm 2021, tỷ lệ tử vong liên quan đến nguyên nhân ô nhiễm không khí xung quanh là khoảng 37.500 trường hợp vào năm 2019. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra, trong năm 2017, PM2.5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố đông đúc nhất ở Việt Nam, đã vượt quy định của WHO lần lượt là 257 và 222 ngày. Theo đó, cần có các phương pháp tiếp cận hiệu quả để giám sát và giảm thiểu ô nhiễm không khí do khí thải, bao gồm cả các chất dạng hạt ở các thành phố lớn.

Mặc dù sự thay đổi giá nhiên liệu có thể có một số tác động đến mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố đông đúc, nhưng chưa có nghiên cứu nào điều tra tác động của việc thay đổi giá nhiên liệu đối với PM2.5 ở Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu mối liên hệ ngắn hạn giữa PM2.5 và giá các loại nhiên liệu khác nhau, bao gồm xăng và dầu diesel, tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã đưa ra các lý do tại sao chúng ta cần nhiều cách tiếp cận để quản lý bền vững ô nhiễm PM2.5 ở các khu vực đô thị một cách hiệu quả.

Tham khảo: Journal of Cleaner Production

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích