Bá Thước (Thanh Hóa): “Bỏ qua” các quy định, chuyển đổi sai luật hơn 6ha đất rừng
(Xây dựng) – Bỏ qua các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Nhà nước, UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã tự cho phép chuyển đổi 67.887,5m2 đất trồng rừng sản xuất sang đất trồng cây hàng năm (đã cấp sổ đỏ cho khu đất này).
Cán bộ địa chính xã Lương Trung Trương Công Hùng đang chỉ cho PV xem khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép của ông Phạm Hoàng Tuấn. |
Từ thông tin phản ánh của dư luận và qua tìm hiểu, xác minh của PV Báo điện tử Xây dựng, sự việc xảy ra như sau: Năm 2019, sau khi mua lại khu đất thuộc rừng sản xuất của ông Hoàng Sỹ Trưng (trú tại thôn Trung Sơn, xã Lương Trung, huyện Bá Thước), ông Phạm Hoàng Tuấn (tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy) đã được UBND huyện Bá Thước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), số CM 898517, cấp ngày 29/11/2019, diện tích 169.117,9m2, tại thửa 243, lô 10, K1, TK 299, tờ bản đồ số 1, loại đất sử dụng là đất rừng sản xuất.
Sau khi được cấp giấy tờ hợp lệ, ông Tuấn đã làm đơn gửi UBND huyện, xin đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất. Trước đó, cũng trong năm 2020, UBND xã Lương Trung đã có biên bản kiểm tra 2020 (không ghi ngày, tháng) đo đạc diện tích, xác minh hiện trạng thửa đất này. Theo đó, xác định hiện trạng thửa đất số 36, tờ bản đồ số 38 do ông Phạm Hoàng Tuấn sử dụng là đất bằng, đang sử dụng trồng cây hàng năm khác, trên diện tích 67.887,5m2.
Ngày 10/8/2020, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bá Thước đã xác nhận trên GCNQSDĐ của ông Phạm Hoàng Tuấn, nội dung: Chuyển mục đích sử dụng đất hình thành thửa đất số 36, tờ bản đồ số 38, diện tích 67.887,5m2 đất trồng cây hàng năm khác. Diện tích còn lại 101.229,5m2 đất trồng rừng sản xuất.
Cùng ngày 10/8/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã ký cấp GCNQSDĐ số CH 130531, tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 38, diện tích 67.887,5m2, mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác (BHK), thời gian sử dụng 50 năm, tính từ năm 1994.
Toàn cảnh khu đất chuyển đổi, đã được cấp GCNQSDĐ, bên trên là những cánh rừng tự nhiên. |
Làm việc với đại diện UBND xã Trung Lương được biết, ông Tuấn mua lại khu đất này và tiến hành chuyển đổi một phần diện tích sử dụng với mục đích làm hồ sơ, thủ tục để đầu tư xây dựng khu chăn nuôi gia súc? PV đề nghị tiếp cận hồ sơ, thủ tục cấp GCNQSDĐ đã chuyển đổi, nhưng ông Trương Công Hùng, cán bộ địa chính xã cho biết: Sau khi làm xong thủ tục với xã, ông Tuấn đã mang toàn bộ hồ sơ, giấy tờ lên huyện nên xã không nắm được việc chuyển đổi đã tiến hành đến đâu và cũng không giữ giấy tờ gì của ông này.
Để xác minh rõ hơn vụ việc, PV đã cùng Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Thắng và cán bộ địa chính Trương Công Hùng xuống thôn Trung Sơn để “mục sở thị” khu đất được chuyển đổi trái phép này. Vượt qua khoảng 7km con đường nhỏ đầy ổ gà, vũng nước, trước mắt PV là khu đất gần 17ha đất trồng rừng, trong đó có gần 7ha đã được chuyển đổi sang đất trồng cây hàng năm của hộ ông Phạm Hoàng Tuấn. Theo quan sát của PV, phần đất đã chuyển đổi thuộc khu vực không có rừng, nằm thoai thoải dưới chân những dãy đồi có rừng tự nhiên khá xanh tốt với nhiều cây gỗ lớn (hoàn toàn không có “trồng cây hàng năm” như biên bản kiểm tra hiện trạng của UBND xã – PV).
Tuy nhiên có thể thấy rằng, phần này diện tích khá hẹp so với số lượng gần 7ha đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Như vậy, có thể trong diện tích đã chuyển đổi, có một phần thuộc diện tích rừng tự nhiên (nằm trong số hơn 10ha đất trồng rừng) của hộ ông Tuấn sau khi đã chuyển đổi một phần?
Trở lại với việc cấp GCNQSDĐ trồng cây hàng năm khác trên diện tích gần 7ha sai quy định của UBND huyện Bá Thước, vụ việc này đã được chính Thanh tra huyện xác minh, làm rõ và có văn bản báo cáo UBND huyện. Theo kết luận của cơ quan này, việc chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây hàng năm khác trên diện tích 67.887,5m2 là chưa đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể: Khi đăng ký biến động đất đai cho ông Tuấn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải có hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp này là Hội đồng nhân dân tỉnh – PV) để quyết định chủ trương cho phép chuyển đổi từ mục đích sử dụng trồng rừng sang mục đích khác. Tiếp theo phải có quyết định của Chủ tịch UBND huyện cho phép chuyển đổi sau khi đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương. Ngoài các bước trên, việc chuyển đổi còn phải có văn bản phê duyệt của cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi kiểm tra hồ sơ, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng.
Làm việc với PV, ông Võ Minh Khoa – Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Sự việc này UBND huyện đã chỉ đạo Thanh tra xác minh, làm rõ. Cho đến nay, Thanh tra đã có báo cáo và tôi đang chỉ đạo cơ quan này nhanh chóng đưa ra kết luận chính thức để làm căn cứ xử lý. Dựa trên kết luận của Thanh tra, chúng tôi sẽ tiến hành cho kiểm điểm, tùy vào mức độ vi phạm của cá nhân, tập thể, sẽ có hình thức xử lý, kỷ luật phù hợp. Đồng thời, sẽ cho thu hồi GCNQSDĐ đã cấp sai quy định và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp lại theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của PV về xử lý kỷ luật với cá nhân, tập thể vi phạm, trong đó cá nhân lãnh đạo UBND huyện, người đã ký cấp GCNQSDĐ cho chuyển đổi mục đích sử dụng gần 7ha đất trồng rừng sang đất khác sẽ như thế nào? Ông Võ Minh Khoa thẳng thắn nói: “Người ký quyết định là tôi. Vì thế, tôi sẽ tự kiểm điểm sâu sắc trước Ban Thường vụ Huyện ủy và nhận trách nhiệm về vụ việc này” (thời điểm ký Quyết định, ông Khoa đang là Phó Chủ tịch UBND huyện).
Đường vào khu đất nhà ông Phạm Hoàng Tuấn. |
Dư luận đang chờ đợi vụ việc sẽ được xử lý nghiêm khắc, không có trường hợp ngoại lệ như khẳng định của lãnh đạo UBND huyện Bá Thước và những cá nhân, tập thể vi phạm sẽ phải nhận hình thức kỷ luật tương xứng. Qua đó, tình trạng vi phạm, xâm phạm đất rừng (trong đó có rừng sản xuất), cũng như cấp GCNQSDĐ, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác một cách tùy tiện, vượt thẩm quyền sẽ được ngăn chặn.
Đáng chú ý, trong khi xác minh vụ việc này, PV Báo điện tử Xây dựng còn phát hiện thêm một thực tế đáng báo động về tình trạng vi phạm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái phép… trên đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp diễn ra kéo dài với diện tích lớn, nhưng chưa được kiểm tra, xử lý hoặc xử lý quá chậm trễ của các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Bá Thước.
Nguồn: Báo xây dựng