Những tỉnh nào dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương?

Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam có thêm 3 tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Tại phiên họp trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ cho hay, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện các bước để thực hiện theo hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Một số tiêu chí của Bắc Ninh có thể đạt, đơn cử về dân số, tuy nhiên hạn chế lớn nhất của Bắc Ninh hiện nay là diện tích bởi tỉnh này chỉ hơn 800 km2, trong khi thành phố trực thuộc Trung ương phải có diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.

Việt Nam hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM và Cần Thơ.

Ngoài Bắc Ninh, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa cũng được dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, tại nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ một trong các mục tiêu là “đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Với Khánh Hòa, nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm nay, nêu mục tiêu “đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương” trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển…

nhung tinh nao du kien len thanh pho truc thuoc trung uong
Một góc của TP Bắc Ninh. (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Theo quy định hiện hành (nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương là: Quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên; diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên; có từ 11 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc trở lên; tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên; đã được công nhận đô thị loại đặc biệt hoặc loại I…

Ngoài ra, địa phương muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương phải có cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội đạt quy định, như: có số dư cân đối thu chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước (1,75 lần); mức tăng trưởng kinh tế trung bình ba năm gần nhất đạt bình quân của cả nước.

Thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải có tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm 90%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường đạt 90%; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước.

Bắc Ninh có 2 thành phố và 6 huyện; dân số hơn 1,4 triệu; thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 5,4 triệu đồng, là tỉnh có thu nhập đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 6/63 tỉnh, thành; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 133,6 nghìn tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế có 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; diện tích trên 5.000 km2; dân số hơn 1,1 triệu; thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 4,2 triệu đồng; GRDP năm 2021 đạt 58.690 tỷ đồng.

Khánh Hòa có 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện; diện tích hơn 5.137 km2; dân số gần 1,3 triệu người; thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 5,1 triệu đồng; GRDP năm 2021 đạt gần 44.560 tỷ đồng.

Ngoài Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa, ở cấp địa phương, một số tỉnh đã và đang nghiên cứu định hướng dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương như Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích