Xây dựng mô hình phát triển bền vững các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La
Xây dựng mô hình phát triển bền vững các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La
Bài viết này đi sâu nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về xây dựng mô hình tổ chức liên kết trong quản lý hồ đập và rừng đầu nguồn nhằm góp phần phát triển bền vững các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Bài viết này đi sâu nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về xây dựng mô hình tổ chức liên kết trong quản lý hồ đập và rừng đầu nguồn nhằm góp phần phát triển bền vững các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Mối quan hệ giữa xây dựng các công trình thủy điện nhỏ với sự ổn định đời sống dân cư và phát triển rừng bền vững ở nước ta hiện nay
Ở nước ta, bên cạnh những lo ngại về sự ảnh hưởng của các công trình thủy điện với môi trường và đời sống dân cư (cả vùng thượng lưu và hạ lưu); không thể phủ nhận vai trò của thủy điện trong việc phục hồi độ che phủ rừng và cung cấp một nguồn năng lượng sạch, ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủy điện đã góp phần phục hồi độ che phủ rừng từ 28% năm 1995 lên 42,01% vào năm 2021; bởi các công trình thủy điện khi xây dựng tuy đã phá đi một diện tích rừng nhất định; nhưng họ phải đóng góp chi phí phục hồi rừng hàng năm. Về lợi ích năng lượng, năm giai đoạn 2016-2021, thuỷ điện chiếm từ 30 đến 40% tổng năng lượng điện của cả nước. Hầu hết các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ đều có hồ điều tiết lưu lượng nước. Nguyên lý cơ bản các công trình thuỷ điện là không tiêu hao nguồn nước và dòng chảy.
Khi đầu tư thuỷ điện thì chủ đầu tư thường chú ý tới lợi nhuận, tính hiệu quả của nguồn vốn đầu tư tài chính. Nhưng hiệu quả tài chính dù cao đến đâu cũng không được các cơ quan nhà nước thông qua nếu không có hiệu quả kinh tế – xã hội (được hiểu là những tác động tích cực tới kinh tế vùng và địa phương, gắn với phương án bảo vệ môi trường). Các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trung ương và địa phương luôn nỗ lực trong khâu thẩm định và quản lý quá trình thực hiện, đảm bảo các đập thủy điện được thiết kế và xây dựng phù hợp, an toàn; các đập và hồ được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên và phải có quy trình vận hành được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đảm bảo tính an toàn và hiệu quả như các mục tiêu thiết kế đề ra; góp phần giảm thiểu lũ lụt và tác hại của lũ lụt, cũng như ngăn ngừa sự cố môi trường do vỡ đập.
Để phát triển bền vững thủy điện nhỏ ngoài việc phải bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, thực hiện nghiêm quy trình khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát… còn có một yếu tố đặc biệt quan trọng đó là giải quyết hài hòa lợi ích giữa thủy điện nhỏ với các đối tượng, các hộ dân chịu tác động trong vùng lưu vực bị ảnh hưởng. Trong mối quan hệ này, Nhà nước sẽ đóng vai trò giám sát, hỗ trợ, điều tiết các nguồn lực sao cho thực sự hiệu quả để các bên cùng được hưởng lợi.
Cần chú ý là việc xây dựng các hồ chứa cũng luôn kèm theo việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đính kèm, bao gồm nhà ở công nhân, biến áp, đường sá cũng như yêu cầu bố trí quỹ đất để tái định cư. Việc này cũng sẽ gây ra phá rừng và do vậy làm gia tăng lũ lụt. Ngoài ra, việc san đồi núi tạo các mặt bằng xây dựng có thể làm gia tăng mức độ bất ổn định của các khối đất đá, làm gia tăng khả năng trượt lở đất và gây những thiệt hại về người và của. Chính vì vậy, để thực hiện chủ trương phát triển thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả và bền vững; cần có những giải pháp về mô hình tổ chức liên kết giữa chủ rừng, doanh nghiệp thủy điện với sự hỗ trợ điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường công tác quản lý và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn.
Những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và vận hành các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La gắn với sự ổn định đời sống dân cư và phát triển rừng bền vững
Sơn La là tỉnh có tiềm năng thuỷ điện nhỏ lớn nhất cả nước với hệ thống sông, suối khá dầy đặc, mật độ từ 1,2 đến 1,8 km sông suối/km2. Có 02 con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là sông Đà và sông Mã. Riêng đối với Sông Đà (đoạn chảy vào địa phận tỉnh Sơn La dài 253 km) gồm 24 chi lưu lớn như Nậm Mu, Nậm Chiến, Nậm Trai, Nậm Muội, Nậm Pàn, Suối Tấc, Suối Sập và nhiều suối nhỏ, độ dốc lớn. Còn đối với Sông Mã (đoạn chảy trên địa phận tỉnh Sơn La dài 93 km) với 11 chi lưu lớn như Nậm Công, Nậm Sai, Nậm Lẹ, Nậm Thi… và nhiều suối nhỏ trên diện tích lưu vực rộng khoảng 2.800 km2.
Tính đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 76 công trình thủy điện nhỏ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất 907,4 MW (với lượng điện trung bình/năm theo thiết kế là trên 3,2 tỉ KWh). Hiện đã có 56 dự án đã hoàn thành phát điện hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất lắp máy 664,7 MW.
Thực tế cho thấy, cùng với việc phát triển thủy điện nhỏ, bài toán hài hòa lợi ích nêu trên còn chưa thực sự được xem trọng. Các thuỷ điện nhỏ hiện nay trên địa bàn tỉnh đã tạo ra nguồn thu khá lớn cho ngân sách; tuy nhiên ngoài việc đóng góp các khoản thuế, phí dịch vụ môi trường rừng, phí trồng rừng thay thế thì hầu như chưa để lại dấu ấn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các lưu vực chịu tác động của thuỷ điện. Vấn đề đang đặt ra là trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư các công trình thuỷ điện nhỏ như thế nào để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội ổn định và bền vững cho đồng bào các dân tộc chịu ảnh hưởng và nằm trong lưu vực của công trình thuỷ điện.
Việc giải tỏa đền bù tái và định cư cho người dân đã được quan tâm giải quyết nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh. Hiện nay, đời sống sản xuất và sinh hoạt của bà con ở một số nơi bị ảnh hưởng do lưu lượng dòng chảy ở một số địa phương không đảm bảo. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp với các nhà máy thủy điện trong việc xây dựng và điều tiết lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa để vừa bảo đảm việc phát điện nhưng đồng thời cũng giảm tác động xấu cho sản xuất và đời sống ở hạ lưu.
Việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích làm thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; một mặt do các địa phương chưa bố trí được quỹ đất; mặt khác, một số chủ đầu tư các dự án thủy điện thường không có năng lực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Một số giải pháp về mô hình tổ chức liên kết giữa chủ rừng, doanh nghiệp thủy điện để tăng cường công tác quản lý và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh
Một là, xây dựng chương trình tổng thể và mô hình mẫu về phát triển sinh kế cho người dân lưu vực chịu tác động của thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh
– Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển sinh kế cho người dân lưu vực chịu tác động của thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Sơn La cần nghiên cứu xây dựng “Chương trình tổng thể phát triển sinh kế cho người dân lưu vực chịu tác động của thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh” nhằm cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế của người dân, nhất là đối với các hộ gia đình nằm trong lưu vực chịu tác động của thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở để huy động mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển sinh kế người dân tại lưu vực các thuỷ điện nhỏ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2023 – 2025, mỗi lưu vực thuỷ điện nhỏ cần xây dựng được tối thiểu một mô hình sinh kế cho nhân dân phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng vùng; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao.
Để làm được điều này các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về điều kiện tự nhiên, cảnh quan, khí hậu, thổ nhưỡng tại lưu vực thuỷ điện phù hợp phát triển mô hình kinh tế nào; chẳng hạn: trồng rừng loại cây gì; lựa chọn phương án phát triển cây đa mục tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, nuôi trồng thuỷ sản hay phát triển du lịch,… từ đó có hướng đề xuất xây dựng thí điểm các mô hình sinh kế phù hợp cho nhân dân trong lưu vực thuỷ điện. Sau khi triển khai thí điểm 6 tháng hoặc một năm cần sơ kết, đánh giá để rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
– Xây dựng mô hình mẫu về đảm bảo sinh kế cho người dân lưu vực chịu tác động của thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Để xây dựng mô hình mẫu về đảm bảo sinh kế cho người dân lưu vực chịu tác động của thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, rất cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp…), trong đó vai trò của chính quyền địa phương cơ sở (xã, bản) là đặc biệt quan trọng.
Hai là, xây dựng mô hình tổ chức liên kết giữa chủ rừng, doanh nghiệp thủy điện với sự hỗ trợ điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường công tác quản lý và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh
– Giữa ngành nông lâm nghiệp (đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm) với các ban quản lý rừng và chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) cần chủ động phối hợp trong suốt quá trình thực hiện các dự án trồng rừng thay thế, từ khâu quy hoạch đến công tác trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ. Việc đánh giá, nghiệm thu từng phần phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan nhằm có sự phối hợp, vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng khi xảy ra trường hợp xâm phạm diện tích rừng, tranh chấp đất rừng… Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ngay từ ban đầu, ràng buộc các đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cho đến khi thực hiện giao, nhận khoán sau khi kết thúc dự án.
– Đối với diện tích đã trồng rừng thay thế: cần tổ chức các đoàn công tác liên ngành để tiến hành đánh giá tổng thể diện tích đã trồng rừng thay thế. Đối với diện tích có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng cần khẩn trương chỉ đạo trồng dặm với loại cây thích hợp, đảm bảo về mật độ theo thiết kế và khả năng sinh trưởng đồng đều giữa các loại cây trên cùng một diện tích.
– Đối với diện tích sắp triển khai trồng rừng thay thế: cần tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định, trong đó chú trọng khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, thực địa để xây dựng phương án trồng mới hay khoanh nuôi có trồng bổ sung; tránh tình trạng bố trí đất trồng chồng lấn với đất sản xuất lâu đời của người dân; ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, đặc biệt là loại cây đa mục tiêu có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đáp ứng được mục tiêu của rừng thay thế sau khi thành rừng, đồng thời mang lại thu nhập cho chủ rừng được giao khoán; bởi chỉ khi người dân sống được với rừng thì mới có ý thức bảo vệ rừng một cách tự giác.
Ba là, xây dựng mô hình liên kết ứng dụng công nghệ Viễn thám (GIS) trong quản lý hồ đập thủy điện nhỏ và quản lý rừng đầu nguồn
Hiện nay, Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi thuộc Viện Khoa học thủy lợi đã và đang chuyển giao công nghệ GIS trong công tác quản lý hồ đập thủy điện nhỏ và quản lý rừng đầu nguồn với khả năng kết nối thông tin vào điện thoại di động cho các cơ quan vận hành hồ, đập thủy điện và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Các thông tin có khả năng kết nối gồm: hiện trạng của diện tích rừng trên lưu vực thủy điện nhỏ; tự động cảnh báo mức độ an toàn hồ chứa trên bản đồ WebGis với các nhóm màu theo phân cấp báo động; cung cấp các dữ liệu dự báo mưa trong một chu kỳ dài; xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, xây dựng phương án ứng phó với các trường hợp khẩn cấp.
Cơ chế liên kết như sau:
– Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đầu tư kinh phí ứng dụng công nghệ Viễn thám (GIS) trong quản lý rừng đầu nguồn; Các chủ rừng trực tiếp sử dụng công nghệ để quản lý rừng.
– Các chủ đầu tư các công trình thủy điện nhỏ đầu tư kinh phí đển triển khai dự án ứng dụng công nghệ Viễn thám (GIS) trong quản lý hồ đập thủy điện nhỏ của đơn vị mình và kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ đầu tư các công trình thủy điện nhỏ phải thành lập bộ phận quản lý, giám sát công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, giảm thiểu tác động xấu và phòng ngừa, ứng phó các sự cố trong giai đoạn vận hành các công trình thủy điện nhỏ.
Bốn là, xây dựng mô hình trồng rừng thay thế và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ bằng việc trồng cây quế nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân vùng cao
Trong các loài cây lâm sản ngoài gỗ của rừng nhiệt đới nước ta, cây quế có thể tổ chức sản xuất thành nguồn hàng lớn, ổn định lâu dài và có giá trị, nhất là giá trị xuất khẩu. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý; góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều hộ nông dân miền núi nước ta.
Hiện diện tích quế đã mở rộng ra ở nhiều địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Nghệ An, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Ninh… Trong đó, tại tỉnh Lai Châu đến năm 2021 đã phát triển cây quế với tổng diện tích là 8.500 ha. Cây quế được ưu tiên phát triển mạnh trên một số lưu vực vùng hồ thủy điện nhỏ và vùng cao (nguồn sinh thủy) của tỉnh. Việc phát triển trồng quế tại tỉnh Lai Châu mang vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực trong việc tạo sinh kế cho đồng bào vùng cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và lưu giữ, tạo nguồn sinh thủy ổn định cho cho các công thủy điện nhỏ trong vùng.
Do đó, các huyện và chủ đầu tư các công trình thủy điện nhỏ của tỉnh Sơn La cần tổ chức các đoàn công tác với thành phần là lãnh đạo xã, thị trấn, bản và đại diện các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở vùng trồng quế hiệu quả tại tỉnh bạn Lai Châu để xây dựng mô hình phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Năm là, nhân rộng mô hình quản lý rừng bền vững thông qua Dự án “Phát triển rừngcộng đồngbền vững”
Dự án “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu bảo tồn cấp cộng đồng duy trì các giá trị đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững và gìn giữ kiến thức bản địa và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La” (gọi tắt là dự án Phát triển rừng cộng đồng bền vững) được UNDP/GEF tài trợ và được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu và hỗ trợ tỉnh Sơn La triển khai thực hiện. Dự án gồm 2 mục tiêu chính:
(i). Thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo tồn rừng và lưu giữ các tập tục, tập quán, tín ngưỡng lễ hội của cộng đồng liên quan đến bảo vệ rừng gắn liền với đời sống và văn hóa dân tộc.
(ii). Xây dựng bộ quy ước quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng cho quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương.
Nội dung và kết quả của dự án như sau:
1. Điều tra về khả năng thí điểm thành lập khu bảo tồn rừng cộng đồng và mạng lưới rừng cộng đồng (đa dạng sinh học, văn hoá, nhận thức và vai trò cộng đồng trong sử dụng tài nguyên, tài chính cho khu bảo tồn rừng cộng đồng, đồng thuận của cộng đồng).
2. Hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (tại 15 – 20 bản).
3. Thành lập mạng lưới học hỏi/chia sẻ các khu bảo tồn rừng cộng đồng tại Sơn La.
4. Tổ chức các hoạt động văn hoá, bảo tồn rừng gắn với truyền thống tại các khu bảo tồn rừng cộng đồng.
5. Hỗ trợ các hoạt động sinh kế gắn bảo tồn rừng tại một số khu bảo tồn rừng cộng đồng: hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
6. Hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ giao đất, giao rừng trong vùng dự án.
7. Hỗ trợ xây dựng Bộ quy ước quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.
8. Hỗ trợ xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho bảo vệ rừng gồm: Hoàn thiện cơ chế quỹ thôn bản; Ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ quy ước quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng thôn/bản.
9. Xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế đối với các đối tượng trong phạm vi hoạt động của dự án.
Như vậy, thông qua kết quả Dự án trên, tỉnh Sơn La có thể nghiên cứu vận dụng để triển khai nhân rộng mô hình tổ chức liên kết giữa chủ rừng với doanh nghiệp thủy điện nhỏ trong việc quản lý và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn./.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ (2018). Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
2.Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2021). Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN Ngày 27/7/2022 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021
3. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La (2016). Đánh giá thực trạng ảnh hưởng môi trường của các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La, Đề tài khoa học cấp tỉnh, nghiệm thu năm 2016
4. UBND tỉnh Sơn La (2022). Văn bản số 647/UBND-KT ngày 28/02/2022 về việc tăng cường công tác quản lý các dự án, công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2022
5. Vũ Tuấn Anh, Bùi Quang Tuấn (2015). Tiến tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
6. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I và tập II), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật
TS. Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị