Đảm bảo tiến độ hoàn thiện các Quy chuẩn Việt Nam về môi trường

Đảm bảo tiến độ hoàn thiện các Quy chuẩn Việt Nam về môi trường

MTĐT –  Thứ sáu, 23/09/2022 09:56 (GMT+7)

Chiều 22/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp, nghe Tổng cục Môi trường báo cáo tiến độ xây dựng các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) lĩnh vực môi trường.

2img_9273.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp

Báo cáo tình hình xây dựng các Quy chuẩn, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục đã xây dựng được 5 dự thảo QCVN về chất lượng môi trường và QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân huỷ trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá và thiết bị; QCVN về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành. Trong đó, nhóm QCVN về chất lượng môi trường bao gồm: QCVN về chất lượng nước mặt; QCVN về chất lượng nước dưới đất; QCVN về chất lượng nước biển; QCVN về chất lượng không khí xung quanh; QCVN về giới hạn tối đa cho phép của một số chất ô nhiễm trong đất.

Với nhóm QCVN về chất lượng môi trường, điểm nổi bật khi xây dựng các dự thảo các Quy chuẩn này là các nhóm soạn thảo đã học tập kinh nghiệm xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Hàn Quốc. Toàn bộ cách tiếp cận về quy định trong các bản dự thảo quy chuẩn đều được xây dựng theo các tiêu chuẩn chất lượng môi trường của Hàn Quốc. Dự thảo đã bổ sung thêm các quy định về thông số, ngưỡng thông số trong các tiêu chuẩn Hàn Quốc mà quy chuẩn hiện hành của Việt Nam chưa quy định. Đồng thời, kế thừa các nội dung của QCVN hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Quá trình thẩm định 5 dự thảo QCVN về chất lượng môi trường đã được Tổng cục và Tổ soạn thảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. Tổng cục Môi trường đã rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo theo các ý kiến góp ý và thực hiện đầy đủ quy trình để thẩm định văn bản. Đến nay, 5 QCVN về chất lượng môi trường đã đủ điều kiện ban hành.

1img_9267.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Liên quan đến nội dung xây dựng QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân huỷ trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá và thiết bị, Tổng cục Môi trường đã tiến hành nghiên cứu, rà soát các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và lựa chọn, tham khảo các tài liệu quốc tế liên quan để xây dựng. Sau đó, gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan để chỉnh sửa, bổ sung. Theo dự thảo, có 7 chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP) được quy định theo phụ lục XVII, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và giới hạn của các chất trong đơn chất, hợp chất sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu trong lĩnh vực công nghiệp; hỗn hợp chất, nguyên liệu, bán thành phẩm và các bộ phận/chi tiết có chứa chất POP trong sản phẩm, hàng hoá, thiết bị trong lĩnh vực công nghiệp.

Về quá trình xây dựng QCVN về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, Tổng cục đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế việc đo khí thải phương tiện ô tô, nghiên cứu, rà soát kinh nghiệm quốc tế và phối hợp với các chuyên gia xây dựng dự thảo và gửi lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị liên quan. Nội dung quy chuẩn quy định trong Quy chuẩn được rà soát, sửa đổi dựa trên ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, đơn vị có liên quan. Dự thảo đã nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định kỹ thuật các thông số khí thải và quy định quản lý.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, góp ý về các vấn đề liên quan đến dự thảo QCVN có một số thông số nghiêm ngặt hơn của Hàn Quốc, các thông số tiêu chuẩn về không khí, bụi PM 2.5, đăng ký miễn trừ chất POP. Đa số các ý kiến đều cho rằng, với các thông số đang quy định nghiêm ngặt hơn Hàn Quốc thì cần giữ nguyên nhằm tăng cường quản lý chất lượng môi trường. Còn đối với các thông số Hàn Quốc không quy định, nhưng QCVN hiện hành có quy định thì có thể xem xét, cân nhắc đưa vào nhóm khuyến khích áp dụng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Các Quy chuẩn môi trường của Việt Nam chính là cơ sở để thực thi Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Do đó, Tổng cục Môi trường cần học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đồng thời, xem xét điều chỉnh các thông số trong các Quy chuẩn để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Khoa học Công nghệ khẩn trương thẩm định, có ý kiến góp ý vào dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân huỷ trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá và thiết bị và dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để Tổng cục Môi trường chỉnh sửa, sớm hoàn thiện dự thảo.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích