Nghệ An: Giám sát công tác quản lý khoáng sản tại huyện Quỳnh Lưu

Nghệ An: Giám sát công tác quản lý khoáng sản tại huyện Quỳnh Lưu

MTĐT –  Thứ năm, 22/09/2022 16:42 (GMT+7)

Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 9 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản; trong đó có 7 mỏ đá, 1 mỏ đất và 1 mỏ đá bazan. Trong 9 mỏ được cấp phép có 2 mỏ của 2 doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Sáng nay (22/9), đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số điểm mỏ khai thác đá xây dựng và làm việc với UBND xã Quỳnh Văn, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Đồng chí Nguyễn Như Khôi – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, tham gia đoàn có đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh cùng lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu.

tm-img-alt
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát mỏ đá tại xã Ngọc Sơn. Ảnh: Tư liệu

Theo báo cáo của UBND huyện, hiện trên địa bàn huyện có 9 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản; trong đó có 7 mỏ đá, 1 mỏ đất và 1 mỏ đá bazan. Trong 9 mỏ được cấp phép có 2 mỏ của 2 doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản theo thẩm quyền, hàng năm, UBND tỉnh đều quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Trong vòng 5 năm (2016 – 2021), UBND huyện đã thành lập 16 đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản tại 16 xã; trong đó có đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.

Huyện cũng tích cực phối hợp và tham gia cùng với các đoàn liên ngành và chuyên ngành của tỉnh để kiểm tra, góp phần chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong khai thác khoáng sản cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng.

Theo phản ánh, trên địa bàn huyện chưa có khu vực được cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường – đất san lấp, trong khi đó nhu cầu sử dụng đất san lấp để thực hiện các dự án đầu tư lớn, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Tình trạng khai thác đất san lấp trái phép hiện vẫn xảy ra tại ở một số địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý. Một số doanh nghiệp khai thác chưa thực hiện thuê đất đối với phần diện tích đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi thuê đất.

Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến; công tác hoàn thổ sau khai thác, nộp thuế tài nguyên, thuế môi trường còn những tồn tại.

Trên cơ sở khảo sát trực tiếp tại một số mỏ đá và làm việc với UBND xã Ngọc Sơn, xã Quỳnh Văn, đồng thời lắng nghe ý kiến phản ánh từ phía người dân ở khu vực mỏ, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đặt ra nhiều đề xuất UBND huyện thông tin, làm rõ và tăng cường quản lý.

Đáng quan tâm là các mỏ khai thác đang sử dụng công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu, gây nhiều hệ luỵ cho người dân khu vực quanh mỏ; đặc biệt là việc sử dụng mìn trong khai thác với tần suất dày và thời điểm chưa phù hợp và nước thải từ mỏ đang thải chảy vào khu dân cư.

Bên cạnh đó, lưu lượng xe vận tải ra vào mỏ nhiều và tải trọng lớn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và môi trường.

Khẳng định, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không đầy đủ và chưa đúng quy định của pháp luật làm hệ luỵ lớn đến cuộc sống sinh hoạt của Nhân dân và môi trường, đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát thường xuyên để xử lý thuộc thẩm quyền, đồng thời huyện cần vào cuộc kịp thời nhằm hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh.

Qua khảo sát chất lượng đá tại mỏ đá, đồng chí Võ Thị Minh Sinh đặt ra vấn đề liên quan đến năng lực thăm dò, thẩm định về trữ lượng, chất lượng của đơn vị tư vấn và thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp mỏ như thế nào? Giải quyết bài toán việc kê khai khối lượng khai thác của các doanh nghiệp thấp hơn số lượng khai thác thực. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng phản ánh ý kiến đề xuất của cơ sở cần để lại một phần kinh phí cho các xã có mỏ.

Nêu ý kiến mà dư luận đặt ra liên quan tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực khoáng sản, đồng chí Nguyễn Như Khôi – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ cơ chế giám sát, quản lý kê khai thuế hiện nay và đề xuất kiến các giải pháp nhằm chống thất thu thuế như thế nào.

Kết thúc cuộc làm việc, bên cạnh ghi nhận sự quan tâm, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn của huyện, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị chính quyền huyện và cơ sở tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, báo cáo, ngăn chặn việc vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, khắc phục kịp thời những hệ luỵ, tác động ảnh hướng đến đời sống dân sinh, như nước thải, lún sụt đường, ô nhiễm bụi…

Trước mắt, đề nghị huyện và xã giám sát, chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng nổ mìn; xe quá tải chở vật liệu không che chắn; đảm bảo an toàn lao động cho công nhân tại các mỏ đá. Quan tâm đến các giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực khoáng sản; phục hồi môi trường sau khai thác…

Vân Nguyễn (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích