Đầu tư công nghệ cao trong sản xuất: Khó về tài chính, yếu về nhân sự
Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp hơn 5% tổng GDP cả nước. Google, Temasek và Bain & Co. cũng dự báo, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025, vượt qua Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.
Tại diễn đàn Cách tân công nghiệp (Industry Innovation Forum 2022), nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa cho biết chưa thể đầu tư vào công nghệ hoặc chuyển đổi số một cách quy chuẩn vì chi phí quá cao nhưng không rõ hiệu quả mang lại như thế nào. Cũng có doanh nghiệp quyết tâm đầu tư vào hệ thống chuyển đổi số trong dây chuyền sản xuất nhưng lại thiếu nhân sự vận hành vì không đủ tiền thuê nhân sự, đồng thời mức chi phí duy trì hơn 10% cũng là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư U&I cho rằng muốn đưa doanh nghiệp vào mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu cần phải sản xuất thông minh, cách tân công nghiệp. Chuyển đổi số hay hay xây dựng năng lực số không phải là trào lưu nữa mà là điều buộc phải làm đối với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh. Tuy nhiên, theo ông Tín, chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam cho chuyển đổi số còn rất thấp. Cần phát triển sản xuất thông minh, từ đó mới có cơ may trong cuộc so kè với các “ông lớn” trên thế giới.
|
Tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp là điều cần thiết với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn cho các doanh nghiệp trên thế giới. Đơn cử như Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh hiện có 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án.
Con số này cho thấy đầu tư vào công nghệ cao là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp, và càng thách thức hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia cho rằng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn lực tự mình xây dựng và phát huy hiệu quả các hạ tầng sử dụng chung để phục vụ sản xuất thông minh. Vì vậy, hạ tầng số phục vụ chuyển đổi sản xuất thông minh như trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và triển khai cần được quan tâm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cần có ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh và hình thành các bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số và sản xuất thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, hệ thống quy định, quy trình phải được cải tiến thường xuyên để phù hợp với sự thay đổi của xu hướng mới về công nghệ và quản trị. Hạ tầng công nghệ thông tin phải được quy hoạch bài bản, có lộ trình đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số. Trong đó, nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số cần nắm vững chuyên môn và quản trị, phải được đào tạo bài bản các kiến thức về số hóa và khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô