Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
(TN&MT) – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản (BĐS) gần như bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS.
Nguồn cung đạt thấp
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang rất khó khăn. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Trong nửa đầu năm 2021, lượng căn hộ chào bán trên thị trường tại TP.HCM chỉ có 9.820 căn hộ, đạt 55% so với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch chỉ đạt 66,1%.
Trước khó khăn do dịch bệnh, vẫn có những dự báo lạc quan về thị trường BĐS năm 2021. Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm BĐS trên thị trường sẽ tiếp tục thấp. Tuy nhiên, việc thiếu vắng nguồn cung sản phẩm BĐS về lâu dài sẽ thúc đẩy sự tăng giá cục bộ nhanh chóng trở lại. Thị trường những tháng cuối năm 2021 phần lớn phụ thuộc vào kịch bản kiểm soát dịch bệnh. Nếu tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đạt khoảng 50% tổng dân số trong thời gian tới thì thị trường BĐS sẽ có khả năng tăng trưởng ít nhất 25 – 30% so với 2 quý đầu năm.
Vừa qua, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ về mặt pháp lý để các doanh nghiệp BĐS khai thác được nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19. Hiện tại, một số doanh nghiệp BĐS đã thông qua 1 trong 31 đơn vị đầu mối được Chính phủ cho phép đàm phán nhập khẩu vắc-xin về để tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa) |
Tăng sức chống chịu
Tương tự, để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực BĐS trên địa bàn thành phố, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, để tăng sức chống chịu vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp BĐS không đề nghị Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà hỗ trợ theo phương thức tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính. Về chính sách tín dụng, các ngân hàng thương mại nên xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà ở.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, theo quy định, kể từ ngày nhận được Thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục Thuế thì trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nếu quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp thuế. Về vấn đề này, HoREA kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo DKRA Việt Nam (đơn vị cung cấp giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ BĐS), Luật Đất đai năm 2013 cho phép nhà đầu tư được “nhận chuyển quyền sử dụng đất”, gồm: đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư. Song, do vướng điều khoản quy định, nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, điều này dẫn đến các dự án nhà ở thương mại không thể triển khai. Việc công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư “có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở”, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp BĐS và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
“Thời gian tới, để giúp thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh, HoREA mong muốn các cơ quan, ban ngành sớm có giải pháp để xử lý đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại”.
Ông Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)