Ngày xưa, đường không có rác như bây giờ
(Xây dựng) – Nói lại bảo điêu, chứ thời tôi còn bé, đường phố Hà Nội sạch bong, không một cọng rác. Người ta nhặt nhạnh mọi thứ, kể cả phân bò và lá xoan, thứ dùng làm hố ủ phân bắc rất tốt.
Chai lọ thời đó là của hiếm. Tôi từng chứng kiến bà Dương hàng xóm chửi chồng khi ông kể nhỡ tay đánh rơi cái chai 65cc đựng nước mắm (vốn là chai rượu mận Tết). Tuy nhiên, khi bà nghe tiếp đến đoạn ông đem chỗ thủy tinh vỡ đó ném ra xe rác thì bà nổi cơn tam bành, rút guốc gỗ đuổi ông chạy quanh xóm. Lý do là vì thủy tinh vụn vẫn có thể tận dụng để cắm hàng rào chống trộm.
Mọi vật dụng bằng nhựa đều được giữ lại, kể cả đôi dép nhựa gia công đã mòn vẹt và rách toác không thể hàn nổi. Bởi nó là nguyên liệu để hàn các món đồ nhựa khác như ca cốc chậu, áo mưa, cặp và… dép chưa rách. Nói lại nhớ đến ông Quân thợ mộc trong xóm, để có nhựa vá đôi dép đang đi ông đành cắt một đoạn quai hậu của chính đôi đó. Đến đi xin một mẩu nhựa vá dép mà hàng xóm cũng từ chối, rõ khổ.
Nước vo gạo, cuộng rau, vỏ xu hào, khoai tây … được đổ vào chum nước gạo, để các gia đình nuôi lợn đến lấy về. Hàng tháng họ sẽ trả công bằng chổi tre, mỗi nhà 1 cái.
Gà rù, mèo rơi giếng chết, lợn đi tả, chó hoá dại,… đều bị đem ra làm thịt. Ăn tuốt, chỉ cần cho nhiều gừng giềng và kin kín là được. Lông gà lông vịt cũng bán hoặc đem đổi kẹo mạch nha. Quần áo cũ được giữ lại để vá, cho đến khi không còn miếng nào lành nữa thì làm giẻ lau nhà. Đến khi mủn không thể lau nhà được nữa thì vứt xuống hố để ủ sắn dây.
Những thứ có thể đốt thì tống xuống bếp, đun thay củi. Nhà nước cấp cho lượng dầu hỏa chỉ đủ thắp đèn, việc đun bếp dầu thường xuyên chứng tỏ gia đình khá giả, rất có nguy cơ bị gọi lên phường cho đi cải tạo.
Cả cái phường Trần Hưng Đạo nơi tôi ở có nhõn 3 cái xe rác. Các chị công nhân quét rác cũng chả có mấy việc để làm, ngoại trừ tối tối đi quét cống, nơi có lá me lá sấu đọng lại. Mọi lá to hơn như lá bàng đều bị đám trẻ con chúng tôi nhặt về đun bếp.
Mỗi khi Hà Nội có cơn bão, mưa chưa dứt bà con đã xông ra đường. Để làm gì? Để tranh nhau nhặt củi, cành cây bị bão quật rơi ngoài đường. Nhặt đến khi đường sạch bong, sạch như chưa từng có cơn bão nào đi qua.
Vì thế, ở thời đó, khái niệm “sọt rác” là hoàn toàn xa xỉ: đến xô đựng nước còn chả có thì lấy đâu ra xô để đựng rác?
Và đường phố, nhờ đó, luôn sạch bóng.
Nguồn: Báo xây dựng