Tập đoàn bất động sản kín tiếng Vạn Thịnh Phát và con đường chuyển đổi đất công thành trụ sở

(Xây dựng) – Tại Kết luận số 757/KL-TTCP do Thanh tra Chính phủ đã ban hành ngày 13/5/2021 về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với Khu công nghiệp, Khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

tap doan bat dong san kin tieng van thinh phat va con duong chuyen doi dat cong thanh tru so
Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 203 đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tầng 1 có văn phòng hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB.

Theo nội dung kết luận thanh tra này, Thanh tra Chính phủ đã thông tin về khu đất 187A-187H-193-203 đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trạng là toà VTP Office Building, cũng là trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

1.954m2 đất Nhà nước quản lý vào tay Vạn Thịnh Phát như thế nào?

Theo kết luận thanh tra, khu đất này có nguồn gốc đất là đất do Nhà nước quản lý. Khu đất trước đây là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp phép xây dựng cho Liên hiệp dịch vụ – sản xuất – thương mại (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn). Ngày 21/7/1986, Giám đốc Sở Nhà đất đã có Quyết định số 641/QĐ.6 về việc tạm giao cho Công ty dịch vụ tổng hợp thành phố sử dụng để làm Trung tâm dịch vụ của thành phố.

Ngày 30/7/1994, UBND thành phố có Quyết định số 2424/QĐ-UB-QLĐT chuyển giao tài sản cố định gồm khu nhà số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo cho Công ty dịch vụ và thương mại thành phố.

Ngày 24/12/1999, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty dịch vụ và thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty dịch vụ và thương mại thành phố được chuyển nhượng cổ phần, góp vốn trong khách sạn Vạn Xuân cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Mức chuyển nhượng như định giá của Hội đồng định giá tài sản liên danh tại biên bản ngày 2/11/1991 (không kể giá trị sử dụng đất) là 587.332 USD tương đương 8.223 triệu đồng, nhằm tạo điều kiện để Công ty dịch vụ và thương mại thành phố thu hồi bảo toàn được vốn.

Đồng thời, cho phép Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát tiếp tục đầu tư thêm vốn, bổ sung thêm một số chức năng theo quy định luật pháp và tiếp tục hợp đồng thuê đất với cơ quan quản lý đất của thành phố.

Ngày 22/02/2000, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển nhượng phần hùn vốn khách sạn Vạn Xuân. Trong đó nêu: “Các ngành chức năng có liên quan và doanh nghiệp thực hiện theo Văn bản số 1227/CV-TU ngày 4/1/2000 của Thường trực Thành ủy, về chuyển nhượng phần hùn vốn tại khách sạn Vạn Xuân cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Công ty Dịch vụ và Thương mại thu hồi khoản vốn chuyển nhượng hùn vốn khách sạn Vạn Xuân là 8.223.235.332 đồng, nộp ngân sách thành phố. Các khoản lỗ từ kinh doanh khách sạn Vạn Xuân do Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát giải quyết”.

Ngày 26/02/2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản 946 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, trong đó nêu: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1719 ngày 14/4/2003 và Công văn 495 ngày 04/02/2004 của Văn phòng Chính phủ và kết luận tại cuộc họp ngày 23/02/2004 của Thường trực Thành uỷ về giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát; UBND Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo: “Thường trực thành phố nhất trí công nhận Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn giữa Công ty dịch vụ và thương mại và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát đã được ký kết và thực hiện một cách hợp pháp. Điểm cần lưu ý các đơn vị triển khai thực hiện thủ tục pháp lý về chuyển nhượng phần vốn theo hợp đồng là trúng giá chuyển nhượng không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nơi khách sạn Vạn Xuân toạ lạc”.

Ngày 16/3/2004, Công ty dịch vụ và thương mại thành phố và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát có biên bản họp, thống nhất “Về công nợ, Công ty Vạn Thịnh Phát thanh toán cho Công ty dịch vụ và thương mại thành phố 2.037.136.000 đồng trong buổi sáng ngày 17/3/2004. Về thuế VAT của việc chuyển nhượng Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát sẽ chuyển vào tài khoản của Công ty dịch vụ và thương mại thành phố số tiền 822.323.533 đồng trong buổi sáng ngày 17/3/2004. Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát chịu trách nhiệm thanh toán cho Nhà nước tiền thuê đất với khu nhà 193-203 Trần Hưng Đạo kể từ khi khách sạn Vạn Xuân bắt đầu hoạt động là 932.288.000 đồng, số tiền chuyển nhượng là 8.223.235.332 đồng không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất…”.

Đến ngày 11/6/2004, Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát đã hoàn thành việc chuyển khoản chuyển nhượng phần hùn vốn khách sạn Vạn Xuân nộp ngân sách Nhà nước và đã nộp tiền thuê đất từ năm 1996 đến năm 2003.

Ngày 6/2/2006, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 480/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại 187A, 187H, 193-203 Trần Hưng Đạo. Trong đó, diện tích thuê là 1.985m2, mục đích cho thuê là để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đất hết năm 2020.

Ngày 7/12/2012, Công ty Cổ phần tư vấn dịch vụ về tài chính bất động sản DATC, có chứng thư thẩm định giá trị quyền sử dụng đất tại 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo là 204.281.789.000 đồng. Ngày 21/1/2013, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có biên bản họp thẩm định giá.

Ngày 1/2/2013, Sở Tài chính có Tờ trình số 1202/STC-BVG về việc thẩm định giá theo cơ chế thị trường để Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát thực hiện nghĩa vụ tài chính, khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “thuê đất” sang “giao đất có thu tiền sử dụng đất” để làm văn phòng cho thuê và trụ sở văn phòng (đất chuyên dùng). Tổng giá trị quyền sử dụng đất là 204.281.789.000 đồng.

Ngày 17/4/2012, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định về việc duyệt giá trị quyền sử dụng đất là 204.281.789.000 đồng. Đến ngày 17/4/2015, Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát đã nộp đủ số tiền trên.

Kết quả thanh tra cho thấy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định tại Điểm 4.4.3, Mục 4.3, Chương 4, quy chuẩn xây dựng Việt Nam theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ Xây dựng quy định về diện tích đậu xe mô tô tối thiếu là 3m2/xe, đối với xe ô tô còn là 25m2/xe. Như vậy, việc không tính doanh thu đỗ xe sẽ làm giảm giá trị quyền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước tạm tính là 1.191 triệu đồng.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha được quy định tại Điểm 34, Khoản G Bảng giá tiêu chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 66/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh là 590.000 đồng/m2. Việc này làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng, dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất số tiền là 179,3 triệu đồng.

Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty và văn phòng cho thuê. Thanh tra Chính phủ nhận thấy, vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt.

Do đó, đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo đúng pháp luật; trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đế cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ Thông tin về lô đất hơn 2.815m2 tại phường Bến Nghé, quận 1

Trong kết luận thanh tra với khu đất tứ giác Nguyễn Huệ – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, chưa phê duyệt Liên doanh Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkhall Holdings Limited là chủ đầu tư khu đất vàng này.

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính khu tứ giác trên có 2.815,03m2 là đất do Nhà nước quản lý; đất tư nhân sở hữu 8.342,97m2. Đến thời điểm thanh tra, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, nhà đầu tư đã thỏa thuận, đền bù cho các hộ dân với diện tích 7.931m2. Cụ thể có 2.019m2 đất nhà đầu tư đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, 5.912m2 đất nhà đầu tư đã ký biên bản thỏa thuận với các hộ dân.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các bước về chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1. Theo đó, tháng 1/2008, Liên doanh Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkhall Holdings Limited có văn bản cam kết hỗ trợ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh 20.000.000 USD nếu được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án nói trên.

tap doan bat dong san kin tieng van thinh phat va con duong chuyen doi dat cong thanh tru so
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu danh mục nhiều dự án bất động sản siêu phẩm và vị trí đắc địa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả thanh tra cho thấy: Dự án tứ giác Nguyễn Huệ – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế đã và đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2008. Trong đó, đã thực hiện nhiều thủ tục đầu tư như: Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh (930ha); lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; lập phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khu đất nói trên; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất của quận 1.

Đồng thời, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án từ năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa lựa chọn và chỉ định nhà đầu tư để thực hiện dự án. Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay cũng chỉ có Liên doanh Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkhall Holdings Limited đăng ký thực hiện dự án.

Do liên doanh Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkhall Holdings Limited chưa được lựa chọn là nhà đầu tư dự án nên việc thoả thuận đền bù cho các hộ dân trong phạm vị dự án cũng gặp khó khăn. Đến nay đã thoả thuận đến 7.931/8.342,97m2 đất thuộc sở hữu tư nhân.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ nêu: Đến nay, khu đất trên chưa được cơ quan có thẩm quyền hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chưa lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, căn cứ vào quy hoạch đã được duyệt (nhất là quy hoạch khu trung tâm thành phố 930ha…) để phê duyệt dự án đầu tư phù hợp. Trên cơ sở đó, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

tap doan bat dong san kin tieng van thinh phat va con duong chuyen doi dat cong thanh tru so
Vị trí đắc địa của dự án AMIGO diện tích 2.815m2 khu tứ giác Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên website của Tập đoàn, diện tích 2.815m2 đất khu tứ giác Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đang được giới thiệu với tên gọi Dự án Toà nhà phức hợp AMIGO. Dự án này có 4 mặt tiền đường nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, hứa hẹn trong tương lai sẽ là một biểu tượng kiến trúc mới, độc đáo của thành phố, một công trình kiến trúc đẳng cấp ngang tầm thế giới.

Theo thông tin giới thiệu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) có tiền thân là Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát được thành lập năm 1991 do Chủ tịch Tập đoàn Bà Trương Mỹ Lan sáng lập. Vào năm 1992, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và cải cách kinh tế, công ty đã chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Vào năm 2012, công ty đã chuyển thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho đến nay với vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng.

Khởi đầu ở lĩnh vực kinh doanh ngành Dịch vụ nhà hàng và khách sạn, VTP Group đã đầu tư và phát triển thêm nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, hạ tầng giao thông, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, du lịch…

Hiện nay, trong lĩnh vực bất động sản, VTP Group luôn cho ra đời các dịch vụ tiện ích và sản phẩm đa dạng như các khách sạn 5 sao, trung tâm Hội nghị, thương mại, văn phòng cho thuê loại A, cao ốc căn hộ dịch vụ, khu dân cư với chất lượng cao… điển hình như tòa nhà Sherwood Residence tại địa chỉ 127 Pasteur quận 3 là khu căn hộ dịch vụ duy nhất được Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận đạt chuẩn 5 sao, khách sạn thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel) tại trung tâm China Town quận 5 – là khách sạn tư nhân đầu tiên được xếp hạng 5 sao ở Việt Nam và được Chính phủ chọn làm nơi tổ chức Hội nghị APEC năm 2006, Trung tâm thương mại và căn hộ dịch vụ The Garden Complex…

Năm 2007, VTP Group mở rộng kinh doanh thông qua việc tham gia thành lập 2 Tập đoàn có quy mô lớn là Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng và Tập đoàn đầu tư An Đông (An Dong Group) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Tập đoàn này đã cùng các công ty liên kết như Công ty Cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam, các đối tác trong và ngoài nước khác nhằm tạo ra những sản phẩm đẳng cấp, chất lượng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích