​​​​​​​Trình Quốc hội xem xét việc thí điểm đấu giá biển số ô tô tại Kỳ họp thứ 4

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản thống nhất với nội dung về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 do Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị; đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sắp xếp, cân đối, bố trí chương trình Kỳ họp thứ 4 cho phù hợp, đảm bảo các nội dung đạt chất lượng cao song vẫn tiết kiệm được tối đa thời gian kỳ họp.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp 3 nội dung: Tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm; Việc xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 do đến nay vẫn chưa có hồ sơ tài liệu, có nội dung phải xin ý kiến Bộ Chính trị nên khó có thể trình Quốc hội đúng hạn.

​​​​​​​Trình Quốc hội xem xét việc thí điểm đấu giá biển số ô tô tại Kỳ họp thứ 4
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, theo quy định, đây là 3 nội dung phải hoàn thành trong năm 2022, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan cần nỗ lực cao nhất để chuẩn bị các nội dung trên bảo đảm chất lượng, đúng quy trình để kịp trình Quốc hội trong năm 2022. Trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ họp thêm từ 2 đến 3 ngày để xem xét, quyết định các nội dung trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, gồm: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Đối với nội dung về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đề nghị Chính phủ khẩn trương gửi hồ sơ tài liệu về vấn đề này, đồng thời đề xuất cụ thể việc ban hành Nghị quyết riêng hay đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu các nội dung kỳ họp, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội bảo đảm đúng thời gian quy định (nhất là đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và có kết luận thì phải hoàn thiện và gửi đại biểu Quốc hội chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp).

Về Chương trình Kỳ họp, tiếp tục rà soát, bố trí thời gian cho từng nội dung một cách phù hợp theo hướng: Các dự án luật phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau có thể bố trí thời gian thảo luận nhiều hơn (như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bố trí 0,5 ngày ở tổ và 1 ngày ở hội trường).

Những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nhất là đã xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà có sự đồng thuận cao có thể bố trí thời gian ngắn hơn.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc tổ chức xét nghiệm, các phương án xử lý khi có ca nhiễm Covid-19.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích