Định hướng bền vững trong hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên
(TN&MT) – Ngày 21/9, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Sinh viên đồng hành cùng nghiên cứu khoa học” nối tiếp trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Tổng kết sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2021-2022.
Tham dự Tọa đàm gồm có TS. Nguyễn Minh Tuấn- đại diện Đoàn TNCS trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; TS. Tạ Thị Thoảng – Đại diện giảng viên hướng dẫn của trường, cùng khách mời và toàn thể sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường trao đổi về hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH).
TS. Nguyễn Minh Tuấn cho biết, vai trò của NCKH là hoạt động đoàn thể có tính đan xen với nhau, có mục đích khám phá ra những kiến thức mới về tự nhiên và xã hội, đáp ứng cho những thiếu sót trong sự phát triển chung của xã hội.
Cụ thể, thông qua hoạt động tình nguyện các bạn đoàn viên có thể mang kiến thức mới từ việc NCKH giúp cải thiện đời sống, cải thiện sinh kế ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn,… Do đó, NCKH cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động xã hội nói chung.
Đóng vai trò hết sức mật thiết, phong trào NCKH đang được triển khai rộng rãi tại rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những trường Đại học có định hướng nghiên cứu như trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, chính vì vậy, hoạt động NCKH của trường trong giai đoạn 2020 – 2022 càng cần phải được chú trọng.
TS. Tạ Thị Thoảng nhấn mạnh: “Năm 2020-2022 là khoảng thời gian khó khăn cho mọi hoạt động của toàn xã hội, đặc biệt, trong giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng với những trở ngại trên không làm mất đi nhiệt huyết và quyết tâm của sinh viên trường. Với 64 và 87 đề tài được hoàn thành trong giai đoạn 2020-2022 và được đánh giá cao từ hội đồng nghiệm thu cho thấy rõ kết quả của sự nỗ lực và cố gắng của các bạn sinh viên trong giai đoạn này”.
Những đề tài NCKH mang nhiều tính thực tiễn và ứng dụng cao, ngoài các chủ đề nóng và được toàn xã hội quan tâm như: ô nhiễm môi trường, rủi ro thiên tai, ảnh hưởng biến đổi khí hậu đối với tài nguyên môi trường, các chủ đề liên quan tới ứng dụng công nghệ khoa học,… đã mang lại nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các sinh viên.
Trong đó, phong trào NCKH đang được triển khai rất sôi nổi trong cộng đồng sinh viên của tất cả các khoa, ngành, bộ môn của Nhà trường với nhiều đề tài sáng tạo, phong phú. Từ sự táo bạo và sáng tạo, sinh viên khối ngành kinh tế, đoàn viên có thể nghiên cứu về tiêu dùng xanh tại các cửa hàng cung cấp dịch vụ ăn uống hay marketing xanh,…hay các nghiên cứu về hạn chế sử dụng rác thải nhựa một lần; hoặc các nghiên cứu về xử lý rác thải thông minh, máy lọc nước… thông qua hoạt động tình nguyện mang đến cho dân bản, vùng biên giới, hải đảo xa. Điều này thể hiện nhiều tính thực tiễn trong đời sống.
Tuy nhiên, TS. Tạ Thị Thoảng nhận định, do kinh nghiệm làm việc và kiến thức chuyên môn của sinh viên vẫn còn nhiều thiếu sót nên khi thực hiện các công trình NCKH, các bạn sinh viên cần phải bám sát kế hoạch thực tiễn đã xây dựng, trao đổi và thảo luận thường xuyên với nhóm và giáo viên hướng dẫn để hoàn thiện quá trình thực hiện, tránh tình trạng xa rời thực tế khiến công trình không khả thi, không thực hiện được.
Với sự phát triển như vũ bão về khoa học và công nghệ, các đề tài NCKH đang ngày càng được cải thiện hơn cả về số lượng và chất lượng, đồng nghĩa với việc năng lực nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo của con người đang ngày càng được nâng cấp, vì vậy, sinh viên nói chung và sinh viên trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội nói riêng cần không ngừng trau dồi các kỹ năng đặc biệt là các kỹ năng chuyên môn, cập nhật các kiến thức và những ứng dụng của khoa học và công nghệ mới trong chuyên ngành.
Thành thạo việc sử dụng những phần mềm chuyên môn, mở rộng các hoạt động giao lưu trong các nhóm nghiên cứu trẻ, tham gia các hội thảo chuyên ngành, đây là những vấn đề sinh viên cần lưu tâm để trang bị cho bản thân mình trước khi ra trường.
Trong thời gian tới, để hoạt động NCKH trong đoàn viên sôi nổi, đạt hiệu quả cao hơn nữa. Đoàn trường sẽ nỗ lực, cố gắng phối kết hợp với các đơn vị có liên quan trong Nhà trường, đặc biệt là Câu lạc bộ NCKH trẻ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (mà tôi là thành viên trong đó) sẽ có những chính sách quan tâm đúng mức hơn đối với hoạt động NCKH trong sinh viên.
Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm NCKH giữa các nhà nghiên cứu khoa học trẻ với sinh viên tạo phong trào NCKH trong toàn trường.