Khoa học và Công nghệ là động lực phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Khoa học và Công nghệ là động lực phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc

MTĐT –  Thứ tư, 21/09/2022 14:48 (GMT+7)

Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của vùngTrung du và miền núi phía Bắc đã có những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của từng tỉnh nói riêng và cả vùng nói chung.

Đó là một trong những đánh giá quan trọng của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) lần thứ XVIII.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao kết quả hoạt động KHCN&ĐMST vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2018-2022

Bộ trưởng đánh giá, hoạt động KHCN&ĐMST của vùng trong giai đoạn 2018-2022 đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp; đưa ra giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được triển khai từng bước gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống vùng TD&MNPB, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy: các sở KH&CN đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KHCN&ĐMST trên địa bàn với 248 văn bản quản lý (gồm: 29 chỉ thị, nghị quyết; 68 chương trình, kế hoạch; 151 quyết định, quy định quản lý); tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực: nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương; hỗ trợ triển khai và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Công tác đầu tư tăng cường tiềm lực cho KH&CN, kiện toàn tổ chức bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai đồng bộ. Nhiều địa phương đã chủ động tham mưu cho tỉnh bố trí ngân sách chi cho KH&CN cao hơn so với Trung ương phân bổ như: Lào Cai, Phú Thọ, Cao Bằng…

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp tích cực cho sản xuất và đời sống. Theo báo cáo của Ban tổ chức hội nghị, từ năm 2018 đến 8/2022 vùng TD&MNPB đã triển khai thực hiện 917 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (bao gồm cả nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới).

Các nhiệm vụ tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới. Kết quả nghiên cứu ngày càng đi vào cuộc sống, tính ứng dụng ngày càng cao. Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp và ĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được nhiều địa phương quan tâm, bước đầu hình thành và phát triển.

Công tác bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm triển khai phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động ĐMST. Trong giai đoạn 2018-2022, đã có 2.167 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 16 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 111 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bằng.

Trong đó, 3 tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn là các địa phương có số nhãn hiệu được bảo hộ nhiều nhất. Hoạt động sở hữu trí tuệ của các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm đặc sản của địa phương. Các Hội đồng sáng kiến tỉnh duy trì nề nếp hoạt động trong việc xét, công nhận các sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh…

Tú Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích