Các nền tảng để xây dựng thành phố sáng tạo bền vững ở các nước Asean
Các nền tảng để xây dựng thành phố sáng tạo bền vững ở các nước Asean
Yếu tố chung quan trọng trong việc thực thi chính sách thành phố sáng tạo là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, coi trọng giáo dục nghệ thuật và hiểu được sức mạnh của sáng tạo.
Được xem là một yếu tố mới trong nền kinh tế toàn cầu, nền văn hóa sáng tạo còn mạnh hơn cả sức lực tài chính, vì nó có thể tạo ra khả năng tài chính đồng thời giúp giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển bản sắc văn hóa. Các TP trên thế giới đã dần nhận ra rằng để có thể ứng phó với các thách thức lớn thì một nền văn hóa sáng tạo cần được lồng vào quá trình dựng xây TP. Động lực của phát triển bền vững này cần được nuôi dưỡng trong một môi trường kích thích tinh thần cởi mở, trí tưởng tượng, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nền văn hóa (UNESCO, 2020).
Trong cuốn “TP sáng tạo”, Landry đã đề cập đến bảy nhóm yếu tố tạo thành sự sáng tạo của đô thị:
- Phẩm chất cá nhân;
- Sức mạnh và vai trò của người lãnh đạo;
- Sự đa dạng về con người;
- Văn hóa của tổ chức;
- Bản sắc địa phương;
- Hạ tầng đô thị và không gian đô thị;
- Mối liên kết trong cộng đồng.
Đối với mỗi nhóm yếu tố, Landry thiết lập các chỉ số, khuyến nghị và đều được minh chứng từ kinh nghiệm của các nước phát triển (ở Châu Âu và Hoa Kỳ).
Các luận điểm của Landry và các hướng dẫn từ Mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO đang được các quốc gia ASEAN tham khảo, sử dụng trong quá trình khởi xướng và thực hiện chính sách TP sáng tạo. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng các khái niệm liên quan đến TP sáng tạo đều có nguồn gốc từ các nước phát triển với có cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến ở Châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc. Do đó, việc áp dụng các hướng dẫn, mô hình hay bộ công cụ vào các TP đang phát triển ở các quốc gia ASEAN cần thận trọng, nhìn nhận đến cấu trúc xã hội và chế độ chính trị đặc biệt của từng quốc gia.
Dựa trên các nhóm yếu tố do Landry đề xuất, bài báo đề cập muốn nhấn mạnh một vài yếu tố cốt lõi, được cho là nền tảng quan trọng cho hoạt động sáng tạo bền vững ở các TP ASEAN.
(1) Lãnh đạo và thực thi giáo dục nghệ thuật
Các TP ASEAN đều có sự khác nhau rõ rệt về hệ thống xã hội, nền tảng chính trị và kinh tế. Cho nên, yếu tố chung quan trọng trong việc thực thi chính sách TP sáng tạo là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, coi trọng giáo dục nghệ thuật và hiểu được sức mạnh của sáng tạo.
Landry cũng đã nhấn mạnh: “lãnh đạo thành công gắn liền ý chí, sự tháo vát, năng lượng với tầm nhìn, sự hiểu biết về nhu cầu của TP và người dân. […]. Các nhà lãnh đạo cần phát triển câu chuyện có thể làm gì về TP sáng tạo và làm sao để có được TP sáng tạo?”.
Câu chuyện từ Đảo quốc Singapore là một minh chứng. Từ năm 1959, Chính phủ Singapore đã sử dụng giáo dục nghệ thuật để thúc đẩy sự thống nhất xã hội giữa các nhóm dân tộc chính. Đến năm 1991, Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Singapore (NAC) sử dụng giáo dục nghệ thật để thúc đẩy sự sáng tạo. Ngày nay, Chính phủ Singapore xem sự sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo và là phương tiện để tăng trưởng kinh tế.
(2) Hiểu rõ về sự sáng tạo và mối quan hệ với di sản văn hóa
Truyền thống văn hóa có thể được duy trì tồn tại, không phải bằng cách “đóng băng” mà hồi sinh bằng sự sáng tạo. Di sản văn hóa là một “lợi thế sẵn có”. Sự sáng tạo đô thị có thể được thể hiện bằng việc các TP di sản văn hóa thể hiện sự độc đáo của mình và thúc đẩy bản sắc địa phương mạnh mẽ.
Nhằm thu hút người dân đến với di sản văn hóa, năm Di sản Văn hóa Châu Âu 2018, Tổ chức Creative Europe đã tài trợ gần 27 triệu Euro cho các dự án của các nhóm nghệ sĩ và cộng đồng địa phương, bao gồm các hội thảo, triển lãm, trưng bày và lưu trữ kỹ thuật số liên quan đến di sản. Ở các nước Asean, với mục đích nâng cao nhận thức và đánh giá di sản văn hóa, cơ quan lưu trữ Di sản văn hóa ASEAN (ACHDA) cho phép công chúng truy cập trực tuyến vào một số bảo tàng ở các nước ASEAN.
Một dự án tương tự, ASEAN Culture House, nằm ở Busan, nơi có thể trải nghiệm các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở ASEAN bằng cách sử dụng VR tai nghe (Phoak 2019).
(3) Đa dạng, hòa nhập và phương pháp tiếp cận từ dưới lên.
Để tăng cường sức sống, sự tương tác và học hỏi trong đô thị, Landry cho rằng sự đa dạng về văn hóa là điều cần thiết. Richard Florida, nhà lý thuyết nghiên cứu đô thị người Mỹ, khẳng định rằng những người lao động sáng tạo cần được tôn trọng với sự đa dạng về chủng tộc, khuynh hướng tình dục, tôn giáo và các bản sắc xã hội khác nhau. Landry cũng đã nói: “Điều kiện quan trọng nhất để sáng tạo là cởi mở đầu óc và khả năng lắng nghe”. Điều này nhấn mạnh hành động lắng nghe cần diễn ra giữa các nhóm văn hóa và xã hội đa dạng và khác nhau. Như trường hợp của Singapore hay Bangkok, có các nền văn hóa đa dạng là chưa đủ, các công dân cần được thực hiện khả năng sáng tạo vượt ra khỏi các loại hình nghệ thuật hay truyền thống dân tộc. Tất cả các nhóm dân tộc, tôn giáo hay tầng lớp xã hội cần được thừa nhận và được nêu ý kiến trong các cuộc thảo luận về chính sách, kế hoạch và dự án phát triển của TP sáng tạo. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển TP sáng tạo ngay từ đầu.
Jane Jacobs, nhà hoạt động xã hội người Mỹ, người tiên phong trong lĩnh vực quy hoạch đô thị – đã đề cập đến việc ưu tiên hàng đầu đối với sự tham gia của người dân trong quá trình quy hoạch đô thị. Bà nhấn mạnh: “Các TP có khả năng đáp ứng nhu cầu của con người chỉ khi chúng được tạo ra bởi chính những con người sinh sống trong chúng”.
Kết luận
Các nền tảng được trình bày trong bài báo này giới thiệu một khuôn khổ ngắn gọn cho sự phát triển một TP sáng tạo bền vững trong ASEAN. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo chính phủ không nên chỉ sử dụng các chỉ dẫn của TP sáng tạo của UNESCO như một mục tiêu cuối cùng nhưng chỉ nên là điểm bắt đầu và là cam kết để hướng đến sự phát triển bền vững. Thứ hai, bởi vì các khái niệm “Nền kinh tế sáng tạo”, “Ngành công nghiệp sáng tạo” hay “TP sáng tạo” mới chỉ được giới thiệu và triển khai trong ASEAN trong 10 năm qua, nên vẫn còn nhiều sự nhầm lẫn, mơ hồ về ý nghĩa của “văn hóa” và “sáng tạo”. Do đó, để hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của lao động sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực, cần có sự phân loại các hoạt động sáng tạo cụ thể. Cuối cùng, sự đa dạng về tầng lớp văn hóa, xã hội và sự hòa nhập phải được đón nhận và tôn vinh. Điều này cho phép có nhiều sự tự do hơn và khả năng nâng cao tính sáng tạo.
Grisana Punpeng/ Nguyễn Thị Thùy Vân
(Lược dịch từ bài báo: Three Pillars of a Sustainable Creative City in ASEAN)
Tham khảo:(1) United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO). Why Creativity? Why Cities? N.d. https://en.unesco.org/creative-cities/content/why-creativity-why-cities.(2) Jacobs, Jane. The Death and Life of Great American Cities. New York: Vintage Books, 1961.(3) Landry, Charles. The Creative City: A Toolkit for Urban Innovators. 2nd ed. London: Earthscan, 2008(4) Florida, Richard. Cities and the Creative Class. New York: Routledge, 2005
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị