Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính kỹ thuật mật mã sử dụng trong sản phẩm mật mã dân sự

Quy chuẩn quy định mức giới hạn các đặc tính kỹ thuật mật mã của sản phẩm bảo mật luồng IP sử dụng công nghệ IPsec và TLS phục vụ bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này có trách nhiệm thực hiện quy định về chứng nhận, công bố hợp quy và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định hiện hành.

Về quy định kỹ thuật, Quy chuẩn này quy định đối với sản phẩm mật mã dân sự sử dụng công nghệ IPsec VPN được phép sử dụng giao thức trao đổi khóa IKEv1 và IKEv2, giao thức đóng gói ESP. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm mật mã dân sự sử dụng công nghệ TLS VPN được phép sử dụng giao thức TLS 1.2 và TLS 1.3.

 Ảnh minh họa.

Các mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật mật mã nêu tại Quy chuẩn này là các chỉ tiêu chất lượng phục vụ quản lý theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm mật mã dân sự được quy định tại Luật an toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015.

Công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy, kiểm tra chất lượng sản phẩm, khắc phục hậu quả khi bị xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012, Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT- BKHCN ngày 12/12/2012, Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020. Quản lý công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã – Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai quản lý kỹ thuật mật mã theo Quy chuẩn này. Đồng thời, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu quản lý.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích