Bệnh viện 115 Nghệ An: Nậm Cắn – Đi để nhớ, để thương

Bệnh viện 115 Nghệ An: Nậm Cắn – Đi để nhớ, để thương

BTV –  Thứ ba, 20/09/2022 11:02 (GMT+7)

Nậm Cắn là một trong những chuyến đi để lại dấu ấn sâu sắc mang nhiều ý nghĩa , muốn giúp đỡ, hỗ trợ bà con vùng cao tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn của đoàn công tác Bệnh viện 115 Nghệ An.

Nậm Cắn, tiếng Thái là “Cùng chung dòng suối”, mang một nghĩa rất đẹp: Việt Nam và Lào, hai nước chung một dòng nước. Theo báo cáo của đồng chí Xồng Bá Lầu, Phó Chủ tịch UBND xã thì Nậm Cắn có gần 9.100 ha diện tích đất tự nhiên, 969 hộ, 5.120 nhân khẩu. Có 6 dân tộc sinh sống, trong đó hơn 85% là đồng bào Mông và Khơ Mú. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do đa số chỉ canh tác nông nghiệp. Với đặc thù địa bàn xa trung tâm huyện nên việc việc chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều hạn chế do thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men và đặc biệt là y, bác sĩ. Do đó, khi nghe tin ngày 27/8, đoàn y, bác sĩ của BVĐK 115 lên khám và cấp thuốc miễn phí, bà con mừng lắm. Nghỉ đi rẫy, bà con đến UBND xã từ sớm.

tm-img-alt
Ngày 27/8, đoàn y, bác sĩ của BVĐK 115 lên khám và cấp thuốc miễn phí, bà con xã Nậm Cắn.
Trước đó một ngày, đoàn Khám bệnh tình nguyện với 22 y, bác sĩ trẻ đã vượt hơn 350 km, với nhiều cung đường ngoằn ngoèo từ thị trấn Mường Xén để lên trước, vận chuyển vật tư trang thiết bị, lắp đặt máy móc… sẵn sàng cho ngày khám hôm sau. Được chính quyền thông báo từ mấy ngày trước nên rất bà con dân bản rất háo hức và mong đợi chương trình.

tm-img-alt
Đời sống kinh tế của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do đa số chỉ canh tác nông nghiệp.
Sau ngày làm việc, đoàn đã khám, tư vấn và phát thuốc cho 320 người dân, qua đó phát hiện và điều trị kịp thời cho nhiều bà con mắc các bệnh lý thông thường. Số liệu thống kê giúp các bác sĩ phác thảo sơ bộ mô hình bệnh tật của người dân tại đây. “Hay gặp nhất là các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp, các bệnh cơ xương khớp… Đặc biệt, ở chuyên khoa Nhi, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em tại đây còn khá cao. Trong đợt này, chúng tôi phát hiện và hẹn tái khám một số người dân có bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch… để kiểm tra kỹ càng và có phác đồ điều trị phù hợp” BS Nguyễn Văn Hiệp- Bí thư Đoàn, cho biết.

tm-img-alt
Đoàn đã thực hiện hơn 200 kỹ thuật cận lâm sàng: xét nghiệm máu, siêu âm… và cấp phát cho bà con nhiều loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ có giá trị 30 triệu đồng. Dịp này, Bệnh viện cũng trao tặng Trạm Y tế xã Nậm Cắn một cơ số thuốc men thiết yếu.

tm-img-alt
 Đoàn công tác của bệnh viện 115 Nghệ An cấp phát cho bà con nhiều loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ có giá trị 30 triệu đồng.
Chuyến công tác lần này của đoàn trùng dịp Khai giảng năm học mới. Được sự phối hợp và chuẩn bị chu đáo của Cục Hải Quan Nghệ An, Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, đại diện đoàn công tác cũng đã đến tặng quà cho học sinh điểm trường Mầm non và trường Tiểu học Nậm Cắn 2 đóng tại bản Huồi Pốc. Đây là bản người Mông cách trung tâm xã 10 km. Ô tô không vào đến nơi, đoàn phải cuốc bộ men theo những lối mòn chênh vênh, leo những con dốc đứng với lô xô những vỉa đá tai mèo sắc nhọn. Đoàn Thanh niên 2 đơn vị đã trao những suất quà là đồng phục, đồ dung học tập, cặp sách cho các em học sinh. Tổng gái trị quà tặng là 20 triệu đồng.

tm-img-alt
Cục Hải Quan Nghệ An, Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, đại diện đoàn công tác cũng đã đến tặng quà cho học sinh điểm trường Mầm non và trường Tiểu học Nậm Cắn 2 đóng tại bản Huồi Pốc.
Anh Lầu Bá Tồng, Trưởng bản Huồi Pốc chia sẻ: “Chúng tôi rất ấm lòng khi được sự chia sẻ của các cơ quan đơn vị dành cho bà con dân bản. Mong rằng, sẽ có dịp được đón đoàn quay trở lại nơi đây”.

tm-img-alt
Đoàn đã thực hiện hơn 200 kỹ thuật cận lâm sàng: xét nghiệm máu, siêu âm…
Với các bác sĩ tình nguyện Bệnh viện ĐK 115, mỗi chuyến đi, mỗi vùng đất mới đều để lại những kỷ niệm đáng nhớ. Điều đặc biệt ý nghĩa là sau những chuyến đi này mỗi người đều ý thức rõ hơn về trách nhiệm nghề nghiệp và nung nấu nguyện vọng đóng góp nhiều hơn vì sức khỏe người dân. Chuyến công tác tại xã biên giới Nậm Cắn lần này để lại nhiều xúc động cho các bác sĩ, dược sĩ trẻ. Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hưng, Trưởng đoàn cho biết: “Phải đến tận nơi mới biết những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào dân tộc nơi đây. Chúng tôi mong có nhiều chuyến đi hơn nữa để chia sẻ phần nào khó khăn của bà con và cán bộ y tế vùng cao”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích