Tổ chức lại mạng lưới giao thông, thay đổi thói quen của người dân TPHCM
Với hàng loạt công trình lớn sắp về đích cùng những giải pháp quyết liệt, người dân sinh sống tại đô thị lớn nhất cả nước có quyền kỳ vọng vào việc xóa bỏ nạn kẹt xe đã kéo dài đằng đẵng suốt bao năm.
Với quy mô dân số khoảng 13 triệu dân, tốc độ đô thị hóa ở mức cao, tập trung nhiều ngành nghề, TPHCM được coi là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giải trí và giáo dục lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vấn đề ùn tắc giao thông, hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển vẫn là điểm nghẽn cố hữu của địa phương này.
Hạ tầng giao thông TPHCM vẫn còn những điểm nghẽn cho sự phát triển (Ảnh: Hữu Khoa). |
Trong những năm gần đây, đô thị sôi động nhất cả nước đã áp dụng nhiều giải pháp cứng và mềm nhằm cải thiện tình hình. Trong đó, TPHCM đã áp dụng các biện pháp giám sát, điều tiết giao thông bằng công nghệ thông tin, lên kế hoạch tạo sự đồng bộ giữa các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai với các loại hình giao thông khác.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, địa phương đang triển khai đề án tổ chức lại mạng lưới giao thông công cộng nhằm tác động đến hành vi, thói quen đi lại của người dân. Khi các tuyến metro được hình thành, địa phương cũng phải tính toán thêm những cách tiếp cận khác, đồng bộ và hiệu quả hơn để phát huy được thế mạnh.
Nhiều giải pháp xóa bỏ kẹt xe
Đến nay, TPHCM chỉ có tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đạt gần 13%, còn kém 10% so với quy chuẩn. Mật độ đường giao thông của thành phố này cũng chỉ đạt 2,26km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn cả nước và thấp hơn các địa phương có sự phát triển tương đồng trên thế giới như Bangkok, Singapore…
Đối với giao thông liên kết vùng, thành phố chỉ có 2 tuyến cao tốc chính đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng là cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Hiện tại, TPHCM chỉ có 2 tuyến cao tốc chính đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng (Ảnh: Hữu Khoa). |
Từ thực trạng trên, cảnh ùn tắc kéo dài mỗi dịp lễ, tết tại khu cửa ngõ và giờ cao điểm mỗi ngày tại trung tâm thành phố vẫn là điều người dân phải hứng chịu. Khi tổng hòa lại những thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra, những tốn thất về kinh tế đối với thành phố là không hề nhỏ.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thông tin, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn đang ở mức nghiêm trọng. Ước tính mỗi năm, thành phố chịu thiệt hại khoảng 6 tỷ USD (hơn 132.000 tỷ đồng) do kẹt xe gây ra.
Trong bối cảnh tốc độ đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông còn chậm, ngân sách địa phương còn hạn chế do phải gánh nhiều phần việc khác nhau, TPHCM đã tính toán và áp dụng nhiều giải pháp mềm trong những năm gần đây. Trong đó, việc áp dụng những ứng dụng công nghệ, thay đổi nhận thức tham gia giao thông của người dân đã được tính tới.
TPHCM đã sớm đưa vào vận hành trung tâm điều hành giao thông thông minh (Ảnh: Quang Huy). |
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, địa phương đang triển khai đề án tổ chức lại mạng lưới giao thông công cộng nhằm tác động đến hành vi, thói quen đi lại của người dân. Khi các tuyến metro được hình thành, địa phương cũng phải tính toán thêm những cách tiếp cận khác, đồng bộ và hiệu quả hơn để phát huy được thế mạnh.
Từ năm 2019, TPHCM đã hình thành trung tâm điều hành giao thông thông minh, một trong những cấu phần của quá trình xây dựng đô thị thông minh. Với 775 camera giám sát, hình ảnh về tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố được truyền liên tục về. Các ca trực được bố trí luân phiên, đảm bảo vận hành hệ thống toàn thời gian.
Khi phát sinh các điểm ùn tắc, sự cố giao thông, trung tâm sẽ lập tức báo về phòng CSGT TPHCM cùng các đơn vị để có biện pháp xử lý. Hệ thống cũng có thể điều khiển đèn tín hiệu cho khoảng 200 nút giao thông trên địa bàn để phù hợp với tình hình.
Dữ liệu về tình hình giao thông sẽ được chia sẻ trực tiếp với người sử dụng phần mềm cảnh báo giao thông, cổng thông tin giao thông để có quyết định đường đi phù hợp, tránh khu vực ùn tắc.
Những đột phá về hạ tầng
TPHCM khởi đầu năm 2022 với tâm thế cùng cả nước tăng tốc, tạo những đột phá mới sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, thành phố đã thể hiện rõ sự quyết tâm cải thiện, nâng cấp về hạ tầng để tạo đà phát triển, trong đó, hạ tầng giao thông là không thể thiếu.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã bấm nút biểu quyết thông qua chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Dự án này được coi là “con gà đẻ trứng vàng” không chỉ của TPHCM mà còn là của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Tuyến vành đai 3 TPHCM sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho khu vực nội đô (Ảnh: Hữu Khoa). |
Với việc hình thành các điểm giao với tất cả cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn, Vành đai 3 TPHCM sẽ tạo thành vòng tròn phân luồng phía ngoài, giảm tải lượng phương tiện lưu thông qua khu vực nội đô thành phố. Từ đó, dự án sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo quỹ đất dọc 2 bên đường để đem lại những lợi nhuận lớn về kinh tế.
Với sự quyết tâm của TPHCM cùng các địa phương có tuyến vành đai 3 đi qua, dự án sẽ khởi công tháng 6/2023, trước nửa năm so với kế hoạch trước đó. Ngay từ thời điểm hiện tại, TPHCM đã chủ động chuẩn bị trước các phần việc liên quan đến cắm mốc, đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo hành lang thông thoáng nhất trước khi công tác xây dựng được bắt đầu.
Cầu Thủ Thiêm 2 đã trở thành biểu tượng mới của TPHCM từ khi khánh thành (Ảnh: Hữu Khoa). |
Tuyến vành đai 3 TPHCM có chiều dài 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỷ. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là hơn 61.000 tỷ đồng, bao gồm gần 31.400 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương, gần 29.700 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương (TPHCM gần 19.450 tỷ, Đồng Nai gần 1.600 tỷ đồng, Bình Dương hơn 7.800 tỷ đồng và Long An hơn 850 tỷ đồng).
Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ mở ra hướng phát triển mới cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM), Khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thành phố Thuận An (Bình Dương). Từ đó góp phần giảm ách tắc giao thông, giảm chi phí logistics, tăng yếu tố cạnh tranh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng.
Một công trình khác tạo điểm nhấn về giao thông, cảnh quan đô thị khác của TPHCM trong nửa đầu năm 2022 là cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn. Ngay từ khi khánh thành, cây cầu đã trở thành biểu tượng mới cho TPHCM với nhiều ý nghĩa, lợi ích đi kèm.
Với quy mô đô thị hóa lớn nhất cả nước, TPHCM cần gỡ điểm nghẽn về giao thông để phát triển (Ảnh: Hữu Khoa). |
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ, công trình này sẽ giúp thành phố hoàn thiện trục giao thông chính, tăng kết nối khu vực trung tâm hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Ngoài lĩnh vực giao thông, cầu Thủ Thiêm 2 cũng góp phần tạo sức hút đầu tư, giúp TPHCM tiến gần hơn với việc hình thành trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất khu vực.
Trong năm nay, TPHCM cũng thể hiện quyết tâm dồn lực để sớm hoàn thiện nhiều công trình giao thông trọng điểm, nhằm khắc phục những điểm nghẽn về giao thông trên địa bàn. Trong đó có thể kể đến việc đẩy nhanh khép kín vành đai 2, 3, 4, xây dựng nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, xây nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ…
TPHCM dự kiến khởi công, hoàn thành hàng loạt dự án giao thông lớn trong năm 2022 (Ảnh: Hữu Khoa). |
Với hàng loạt công trình lớn sắp về đích cùng những giải pháp quyết liệt thời gian qua, người dân sinh sống tại đô thị lớn nhất cả nước có quyền kỳ vọng vào việc xóa bỏ nạn kẹt xe đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua. Khi điểm nghẽn này được hóa giải, TPHCM sẽ có thêm nhiều động lực để bứt phá, phát triển bền vững đồng thời tiến gần hơn đến một đô thị thông minh, trung tâm tài chính, kinh tế lớn nhất Việt Nam và vươn tầm khu vực.
Nguồn: Báo xây dựng