Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến 2025, tầm nhìn đến 2050

Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến 2025, tầm nhìn đến 2050

Khánh Hà –  Thứ hai, 19/09/2022 18:13 (GMT+7)

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra giải pháp giảm thiểu chất thải rắn (CTR) phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế; đề xuất mạng lưới trạm trung chuyển đảm bảo phục vụ địa bàn mang tính liên quận/huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của thành phố Hồ Chí Minh theo từng giai đoạn; đề xuất các công nghệ tiên tiến xử lý CTR, hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, kinh phí xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy hoạch còn nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý CTR của thành phố hiện nay; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp CTR, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững đô thị.

Cụ thể, đến năm 2025, các loại CTR sinh hoạt, y tế, công nghiệp, xây dựng và bùn thải trên địa bàn thành phố sẽ được tổ chức thu gom riêng, có phân loại tại nguồn đối với các loại chất thải có khả năng phân loại. Về vận chuyển và trung chuyển CTR, tiến hành giảm thiểu số lượng điểm tập kết bằng cách tăng cường phương án thu gom dọc tuyến, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong bán kính đi bộ của các hộ dân, từng bước đơn giản hóa quy trình thu gom, bắt buộc áp dụng đối với các dự án nhà ở xây dựng mới và có lộ trình để thực hiện trong các khu dân cư hiện hữu. Bố trí trạm trung chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn theo 2 cấp (quận, huyện và khu vực). Tổng số trạm trung chuyển cấp khu vực giai đoạn đến năm 2025 là 13 trạm, giai đoạn đến năm 2050 là 15 trạm.

Về tái chế và xử lý CTR, theo đồ án, đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, lượng CTR sinh hoạt được tái chế hoặc áp dụng các biện pháp xử lý (chế biến phân compost, đốt thu hồi năng lượng) đạt tỷ lệ 80-90%, lượng CTR chôn lấp trực tiếp không qua khâu xử lý khác là 20-10%; lượng CTR xây dựng được tái chế có thể đạt được 90% khối lượng thu gom (năm 2025) và 95% khối lượng thu gom vào năm 2050…

Đồ án cũng quy định những nội dung về đánh giá môi trường chiến lược và đưa ra giải pháp, kế hoạch và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thống nhất với lý do, sự cần thiết lập Đồ án quy hoạch, đồng thời đánh giá cao tâm huyết, công sức và sự nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo Hội đồng nhận xét, thuyết minh Đồ án có nội dung phong phú, đa dạng về thông tin và số liệu, đã nêu được bức tranh hiện trạng về công tác quản lý CTR của TP.HCM, đưa ra được đánh giá và dự báo có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.

Hội đồng cũng đã góp ý nhóm nghiên cứu cần rà soát cơ sở pháp lý, loại bỏ những văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật các quy định pháp luật mới được ban hành; bổ sung các thông tin dự báo đến mốc thời gian năm 2040 và đảm bảo sự đồng bộ, cập nhật những nội dung có liên quan tại Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060; đánh giá kỹ hơn hiện trạng, khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của các bãi chôn lấp, các điểm tập kết, trung chuyển CTR; bổ sung số liệu, tỷ lệ xử lý CTR theo các loại công nghệ phổ biến đang được áp dụng trên địa bàn thành phố; phân tích rõ hơn yêu cầu công tác quản lý CTR ở TP.HCM; quan tâm xử lý CTR nông nghiệp; làm rõ hơn thứ tự các dự án ưu tiên triển khai và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội đồng đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, bổ sung một số ý kiến chuyên môn và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện báo cáo thuyết minh Đồ án, dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

Trước đó, UBND Thành phố HCM cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Đồ án quy hoạch) dựa trên Nhiệm vụ quy hoạch đã được chỉnh sửa theo ý kiến của Bộ ngành Trung ương.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các nội dung của Đồ án quy hoạch, để trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định sau khi nhiệm vụ Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND thành phố HCM cũng giao các sở ngành liên quan, cùng UBND các quận huyện tham gia góp ý, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình lập Đồ án quy hoạch nêu trên./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích