PGS Nguyễn Trung Lê: Nên giảm thêm 2 sắc thuế với xăng dầu
Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và triển khai giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.
Báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, PGS Nguyễn Trung Lê – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết tiến độ giải ngân gói hỗ trợ của các chính sách tính đến ngày 2/9 mới chỉ đạt 16%, tức 55.500 tỷ đồng trên 350.000 tỷ đồng.
Trong cơ cấu giải ngân, chính sách hỗ trợ thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63%, trong khi chính sách hỗ trợ 2% lãi suất chiếm chưa đến 1%.
Nhìn chung, chương trình thực sự đã kích thích nền kinh tế phát triển và tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cảm nhận không nhận đủ 2% hỗ trợ lãi suất như mục tiêu chương trình đề ra.
“Theo dự kiến gói hỗ trợ sẽ đóng góp 1,5-2% tăng trưởng GDP vào năm 2022. Tăng trưởng GDP dự kiến cả năm đạt 7,5%”, PGS.TS Nguyễn Trung Lê nhận định.
Xăng dầu nên được giảm 3 sắc thuế
Về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, 6 nhóm chính sách trọng tâm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gắn với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã bao gồm miễn, giảm, gia hạn thuế bảo vệ môi trường; gia hạn nộp tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm tiền thuê mặt nước, hỗ trợ lãi suất 2%; hỗ trợ thuế xuất nhập khẩu.
Qua gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế nhận thấy nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ tốt nhờ tiết kiệm chi phí thuế nhưng lại phát sinh chi phí tuân thủ thuế, ví dụ như chi phí tuân thủ thuế liên quan đến kiểm tra, giám sát và rà soát các loại giấy tờ, hồ sơ để đảm bảo đúng quy định.
Các doanh nghiệp đều khẳng định Nghị định 15 về gia hạn thời gian đóng thuế như một nguồn tài chính hỗ trợ tốt. Về bản chất việc hoãn thuế là hình thức vay của Nhà nước với lãi suất 0%.
Dẫu vậy, vẫn tồn tại một số điểm vướng mắc trong Nghị định 15 như doanh nghiệp phải lập 2 hóa đơn, một ghi thuế suất 8%, một ghi thuế suất 5-10%. Để giải quyết khó khăn này, phải sau 8 tháng, Nghị định 41 mới được ban hành, độ trễ quá dài làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Về việc giảm thuế bảo vệ môi trường, chính sách này chiếm tỷ trọng khá lớn khi nằm trong gói hỗ trợ 34.970 tỷ đồng, chiếm 63% trên tổng số 55,5 nghìn tỷ đồng.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ giảm giá xăng dầu để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhưng chưa có sự lan tỏa ngay. Sau khi giảm 50% sắc thuế này, giá xăng trên cả nước vẫn ở mức cao, có thời điểm lập đỉnh trên 33.000 đồng/lít.
Song, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, xăng dầu đã giúp kích thích cầu nội địa, bình ổn giá xăng dầu và kiềm chế một phần lạm phát.
“Giá xăng dầu còn bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau như chiến tranh, lạm phát leo thang. Vì vậy, nhóm đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên nên cân nhắc đến việc giảm thuế có điều kiện. Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng cam kết phải thực hiện thêm hoạt động xã hội”, PGS Trung Lê đề xuất.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được 13,5 tỷ đồng
Gói chính sách gia hạn nộp tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng chiếm tỷ trọng lớn. Các doanh nghiệp khẳng định dự kiến số tiền được gia hạn 3.500-3.700 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào dòng vốn ngắn hạn và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng dòng tiền.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất cần ban hành hướng dẫn cụ thể hơn với chính sách này vì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn dù đã 8 tháng trôi qua kể từ ngày Nghị định 11 được ban hành.
Chính sách tiếp theo là hỗ trợ lãi suất 2%, số liệu tính tháng 8 cho thấy doanh số cho vay đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 550 khách hàng .Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất này chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng, mỗi khách hàng được hỗ trợ trung bình 26 triệu đồng.
Bình quân mỗi khách vay được hỗ trợ 26 triệu đồng. Ảnh: Nam Khánh. |
Con số này này khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với gói hỗ trợ. Bên cạnh đó họ phải thực hiện nhiều thủ tục, đáp ứng nhiều điều kiện và lo ngại trách nhiệm thanh tra. Ngoài ra tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo, hộ kinh doanh cá thể chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh cũng là rào cản lớn.
Đối với các tổ chức tín dụng rào cản vẫn nằm ở room tín dụng. Việc NHNN cấp thêm room gần đây chưa đáp ứng kỳ vọng của các ngân hàng. Nhưng, vấn đề này còn liên quan đến kế hoạch kiểm soát lạm phát dưới 4% của cơ quan quản lý.
Về chính sách thuế xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp nhìn nhận có nhiều ưu điểm nhờ không dàn trải, tạo thuận lợi cho một số ngành như sản xuất ôtô, thép, chăn nuôi. Nhưng doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý sớm đánh giá hiệu quả của chính sách để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung thêm các ngành nghề có tính lan tỏa cao.
Thời hạn chính sách ngắn, chưa giải quyết bài toán của doanh nghiệp
Đại diện nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế cũng nêu 5 khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Đầu tiên, thông tin của chương trình chưa được phổ biến, cập nhật, doanh nghiệp dù được phổ biến nhiều thông tin khác nhau nhưng chưa biết cách tiếp cận. Đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu về thủ tục hành chính, ví dụ hộ kinh doanh không đáp ứng được giấy phép trong khi doanh nghiệp e ngại tham gia chương trình vì phải tiếp mặt với thanh tra, kiểm toán.
Bên cạnh đó, thời gian hỗ trợ ngắn, thường kéo dài 3-6 tháng, nên chưa giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp trong khi Chính phủ phải dàn trải nguồn lực tài chính. Đối tượng tượng được hỗ trợ mới tập trung vào một số ngành nghề, do đó còn rất nhiều ngành nghề đang khó khăn như du lịch, dịch vụ. Cuối cùng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn chưa có sự kịp thời.
Doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức còn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chỉ tiếp cận qua kênh phi chính thức. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan triển khai chính sách tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách kể cả khi chính sách đã được ban hành. Dù đã có hệ thống báo cáo, vẫn cần có hệ thống giám sát, đánh giá, phản hồi và hướng dẫn kịp thời tới địa phương.
Chính phủ cũng cần rà soát lại các tiêu chí liên quan đến điều kiện đánh giá của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid. Chỉnh sửa các tiêu chí sao cho phù hợp thực tiễn, bổ sung thêm tiêu chí mới khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, nguy cơ như chiến tranh, siêu lạm phát, khủng hoảng nợ công.
Cơ quan quản lý cần hỗ trợ có mục tiêu, đơn cử như hỗ trợ các doanh nghiệp tạo bệ đỡ kinh tế thuộc dịch vụ logistic, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra trong dài hạn, nên điều chỉnh giảm bớt các chính sách giảm thuế và tăng các chính sách gia hạn thuế.
Dưới góc nhìn tiếp cận xây dựng chính sách và can thiệp chính sách, PGS Trung Lê cho rằng các chính sách nên có mục tiêu, tránh đại trà, cần rõ ràng áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp và địa phương. Song song cần sớm nghiên cứu, đánh giá, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ được tính toán độ trễ từ sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chiến tranh siêu lạm phát và chính sách của các nước lớn.
Các chính sách hỗ trợ tín dụng nên tập trung vào nhóm doanh nghiệp duy trì được khả năng chống chịu. Ngoài ra nên cân nhắc điều chỉnh gói hỗ trợ theo hướng thực hiện ân hạn, kéo giãn thời gian trả nợ. Cuối cùng là đảm bảo tính minh bạch của các gói hỗ trợ.
Nguồn: Báo xây dựng