Điện Bàn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án

Trong số 79 dự án khu dân cư, đô thị, tái định cư tại đô thị mới này, có đến 64 dự án đang được thực hiện các thủ tục đầu tư. 31 dự án trong số đó đang được thi công dang dở, 33 dự án còn lại vướng phải tình trạng “treo”. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng treo dự án hoặc dự án chậm tiến độ, trong đó phải kể đến những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)

Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực từ các cấp chính quyền TX. Điện Bàn mà công tác giải phóng mặt bằng đã có nhiều bước tiến tích cực, tạo tiền đề thuận lợi cho nhiều dự án tiếp tục được thực hiện. 

Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm vì đâu?

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX. Điện Bàn, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng có thể chia ra làm một số trường hợp như có một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng, không chấp nhận bị thu hồi đất để thực hiện dự án. Nguyên nhân là do giá cả, chế độ chính sách chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Trường hợp tiếp theo là bị mất hồ sơ 299 nên không thể xét được nguồn gốc đất. Hiện đang trong quá trình khôi phục lại hồ sơ 299 để xét nguồn gốc đất, quy chủ, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Tình trạng này ở TX. Điện Bàn diễn ra khá nhiều, trong đó phường Điện Ngọc là địa phương có nhiều trường hợp bị mất hồ sơ nguồn gốc đất nhiều nhất.

Theo UBND TX. Điện Bàn, trước đây trong một hộ thuộc diện bị thu hồi đất sẽ được xem xét đủ điều kiện tách bao nhiêu hộ thì được cấp bấy nhiêu lô đất tái định cư, không tính là diện tích đất bị thu hồi rộng bao nhiêu. Nhưng khi Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, thay thế Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014, thì quy định đất tái định cư bố trí lại không quá diện tích đất ở thu hồi. Theo đó, trong một dự án sẽ có rất nhiều phương án giải phóng mặt bằng. Những hộ áp dụng phương án theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 sẽ bị thiệt thòi hơn so với những hộ được áp dụng phương án theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 trước đó. Vì vậy nhiều hộ dân đã không đồng tình, không chấp nhận phương án giải phóng mặt bằng được đưa ra.

Đặc biệt, thêm một nguyên nhân khiến cho tất cả các dự án từ đầu năm đến nay “bất động” trong khâu giải phóng mặt bằng là vì có sự thay đổi, hủy bỏ Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 23/8/2019 quy định về đơn giá đối với các loại cây trồng, hoa màu, các loại con vật nuôi; mật độ cây trồng; mức hỗ trợ đối với tài sản khai thác nghề biển, nghề sông để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Quyết định kể trên quy định rất rõ từng loại cây nhưng sau khi quy định lại cây trồng hàng năm thì chỉ có đơn giá cho cây ngô và cây lúa và đơn giá lại thấp hơn so với quy định trước. Trong khi đó thì có những vùng trồng các loại cây nông nghiệp khác như đậu, cà chua, các loại rau,… thì lại không có giá cây trồng. Đây là một rào cản trong việc thẩm định giá để giải phóng mặt bằng. Thị xã đã có kiến nghị lên tỉnh và tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn để có quy định nhưng đến bây giờ vẫn chưa có. 

Thay đổi cơ chế xác định đơn giá cây trồng làm cho công tác GPMB gặp nhiều khó khăn

Tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến trình

Ông Nguyễn Xuân Hà cho biết, thời gian qua, chính quyền thị xã đã có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn kể trên. Đơn cử như với trường hợp xác định đơn giá cây trồng hằng năm, thị xã đã làm việc với các chủ đầu tư và gợi ý hướng giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Theo đó, chủ đầu tư cần tiến hành họp dân, đề xuất một khung giá phù hợp với người dân, đảm bảo được quyền lợi và được người dân đồng ý. Trên cơ sở đó, thị xã sẽ có chủ trương chấp nhận tạm thời phê duyệt theo giá đề xuất kể trên. Sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt lại, trường hợp cao hơn giá phê duyệt tạm thời thì chủ đầu tư tiếp tục chi trả bổ sung cho người dân; trường hợp thấp hơn thì phần chênh lệch thì xem như chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho người dân. Giải pháp này nếu thực hiện được sẽ giải được bài toán về xác định giá cây trồng.

Với những trường hợp quy định đất bố trí tái định cư áp dụng theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh, TX. Điện Bàn đã có trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị có sự nới lỏng trong quy định kể trên và hiện đang có đề xuất tăng theo diện tích đất bố trí tái định cư theo khu vực, ví dụ khu vực 1 thì tăng 70m2, khu vực 2 tăng 80m2, khu vực 3 tăng 100m2. Theo đó thì TX. Điện Bàn thuộc khu vực 2. Tuy nhiên, phương án trên chỉ mới là đề xuất chứ chưa có quyết định chính thức.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND TX. Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà, đối với những dự án đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhưng còn một phần nhỏ khó giải phóng mặt bằng, không thể tháo gỡ, nếu điều chỉnh quy hoạch không ảnh hưởng đến kết nối hạ tầng khung thì đề nghị xem xét điều chỉnh để kết thúc dự án, tránh tình trạng kéo dài. Phần không thực hiện được sẽ để Nhà nước sau này thực hiện đầu tư, chỉnh trang. Đối với nhóm mặt bằng bị mất hiện trạng, chậm tiến độ do khách quan thì tiếp tục cho triển khai. Với những dự án khả năng người dân không đồng thuận giải phóng mặt bằng thì sẽ đề nghị thu hồi.

Nhiều dự án mặt bằng bị mất hiện trạng dẫn đến chậm tiến độ trong nhiều năm

Doanh nghiệp đầu tư đô thị nôn nóng giải phóng mặt bằng

Năm 2017, TX. Điện Bàn tiếp nhận quản lý Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc thì phát hiện việc giao các dự án khu đô thị có sự không phù hợp với Quyết định số 124/1999/QĐ-TTg ngày 18/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, TX. Điện Bàn đã có đề nghị với tỉnh Quảng Nam cho phép rà soát lại quy hoạch và mãi đến tháng 4/2019 mới hoàn thành (theo Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc Phê duyệt hồ sơ khớp nối, bổ sung và điều chỉnh và ban hành Quy định quản lý Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) các giai đoạn I, II, III tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, TX. Điện Bàn). Sau quyết định điều chỉnh nêu trên, các doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và quá trình điều chỉnh này nếu thực hiện nhanh thì trong khoảng 6 tháng, nếu chậm thì từ 1 – 2 năm. Vì vậy mà hiện nay có một số dự án vẫn chưa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch dẫn đến việc chậm tiến độ.

Ngoài ra, trong quá trình đợi chờ điều chỉnh quy hoạch, một số doanh nghiệp nôn nóng tiến độ đã tự thỏa thuận trước với người dân theo phương án giải phóng mặt bằng trước đây đã được lập và dự kiến trình thẩm định nhưng bị tạm dừng (thời điểm năm 2017). Sau khi người dân đồng ý và bàn giao mặt bằng thì doanh nghiệp tiến hành thi công. Đến khi chính quyền tiến hành thẩm định phương án giải phóng mặt bằng thì hiện trạng đã bị mất nên không được phê duyệt. Với những trường hợp bị mất hiện trạng thì đều bị tạm dừng, dự án không thể thực hiện và dẫn đến việc chậm tiến độ./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích