Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững

Tại diễn đàn Kinh tế-Xã hội năm 2022, các đại biểu sẽ phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn…

cung co nen tang kinh te vi mo thuc day phuc hoi phat trien ben vung
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Sáng 18/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã được khai mạc trọng thể.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có những biến động bất thường, khó dự báo.

Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm đối phó với đại dịch COVID-19 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.

Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” làm chủ đề cho diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế-Xã hội năm 2022 để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Để đạt được các mục tiêu của diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế-xã hội của nước ta, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính cả ở khu vực kinh tế thực (tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực doanh nghiệp phi tài chính, thị trường bất động sản), khu vực kinh tế đối ngoại (tỷ giá, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối), khu vực tài chính tiền tệ (quy mô và cấu trúc các thị trường tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm) và rủi ro, bất ổn trong chính sách tài khóa (quy mô, cơ cấu nợ công, cân đối ngân sách nhà nước…)

Nội dung tiếp theo là tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.

Thời lượng của diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày với phiên khai mạc, phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế-Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”; và “Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.”

Chủ tịch Quốc hội cho biết căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc diễn đàn, Ban tổ chức diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố khai mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.”

Mọi quyết sách của Quốc hội đều phải sát hợp với thực tiễn

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc.

cung co nen tang kinh te vi mo thuc day phuc hoi phat trien ben vung
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu dự diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các diễn đàn kinh tế mùa Xuân, mùa Thu Quốc hội khóa XII, XIII và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 của Quốc hội khóa XV là phương thức rất quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn với các thông tin bổ ích, định hướng hay, để phục vụ công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều gợi ý chính sách tại diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.

Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định sử dụng gói chính sách tài khóa, tiền tệ 347.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) trong 2 năm 2022-2023 để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Với Nghị quyết 43/2022/QH15, Quốc hội đã thể chế hóa rất kịp thời Kết luận của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, cùng với các nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo nên động lực, nguồn lực, niềm tin rất đúng lúc, kịp thời và mạnh mẽ, đồng thời hỗ trợ tích cực, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các nghành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng. Sau khi giảm sâu nhất trong quý 3 năm 2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý 4 năm 2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong 8 tháng năm 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước, khu vực chậm lại; chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế suy giảm, lạm phát tăng mạnh do giá cả hàng hóa, năng lượng, lương thực vẫn đang ở mức cao; Ngân hàng trung ương Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương nhiều nước phải liên tiếp tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát…

cung co nen tang kinh te vi mo thuc day phuc hoi phat trien ben vung
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ở trong nước, kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng như dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi.

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%.

Mới đây, trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, là mức cao nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vào ngày 6/9/2022 tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều thách thức.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại và diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập; bất ổn gia tăng đối với thương mại và thị trường tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, đặc biệt đối với những ngành thiếu nguyên liệu, phụ kiện do gián đoạn chuỗi cung ứng; ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm ở một số quốc gia, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam; nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực còn ở mức cao; rủi ro nợ quốc gia bao gồm nghĩa vụ trả nợ công và nợ của doanh nghiệp tăng khi lãi suất và tỷ giá tăng..

Một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại; cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 nghìn tỷ đồng ) vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song cũng vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối tháng 8/2022 chủ yếu do chậm trễ, khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư…

Giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn còn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giải ngân ODA chỉ mới đạt 15% so với kế hoạch.

Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường. Giá năng lượng cao, chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cũng có thể khiến giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát.

Nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính-ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn; thị trường tiền tệ, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…), thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững…

Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 4 để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế-xã hội, xây dựng pháp luật… có ý nghĩa quan trọng.

Diễn đàn là dịp bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình thực tế sẽ là kênh thông tin “đầu vào” quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thêm dữ liệu; từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội… có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích