Ký kết Chương trình phối hợp cùng Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng
(Xây dựng) – Chiều 17/9, tại Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng và Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường thành phố chính thức ký kết Chương trình phối hợp 2022-2027 về Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đại diện các đơn vị ký kết Chương trình phối hợp cùng Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng. |
Theo đó, Chương trình phối hợp sẽ thúc đẩy các hoạt động trong thực hiện các giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2022-2027, hướng tới đóng góp những mục tiêu dài hạn Việt Nam đã đề ra tại COP 26. Thông qua chương trình phối hợp sẽ nâng cao vai trò, vị trí của các tổ chức Hội trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên trong công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng, tổ chức nghiên cứu và nhân rộng các mô hình, công trình, giải pháp kiến trúc, cảnh quan, xây dựng góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả. Biểu dương các điển hình tiên tiến chủ động thực hiện, tạo sự lan tỏa trong các tổ chức Hội.
Qua Chương trình phối hợp này sẽ nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực xây dựng, đô thị, năng lượng, giáo dục… Tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, tổ chức hội nghị chia sẻ, trao đổi, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong từng hội viên, thành viên các bên.
Tổ chức làm việc, xây dựng các đề xuất, triển khai nghiên cứu và nhân rộng các công trình, sáng kiến liên quan với các chủ đề trọng tâm như “Giảm phát thải”, “Kinh tế tuần hoàn”, “Tăng trưởng xanh”… phù hợp với đặc điểm tình hình và hướng đến các mục tiêu xây dựng Thành phố môi trường. Tạo động lực thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong hội viên về lĩnh vực này.
Đồng thời tổ chức hợp tác với các cơ sở đào tạo nghiên cứu trên địa bàn thành phố nghiên cứu xây dựng và phát hành một Cuốn cẩm nang hướng dẫn thiết kế công trình xây dựng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo tiện nghi con người. Nội dung cẩm nang sẽ được định hướng để Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng Quy chuẩn địa phương về thiết kế công trình xây dựng thích ứng với Biến đổi khí hậu.
Phát huy vai trò của hội viên hai tổ chức hội trong giám sát, phản biện các dự án, công trình hạ tầng đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện các dự án, công trình.
Về Chương trình Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã được Đà Nẵng thực hiện từ năm 2008 đến nay. Những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng như: Thành phố bền vững về môi trường ASEAN; Thành phố phát thải các-bon thấp; một trong 20 thành phố xanh – sạch – đẹp, thành phố Xanh quốc gia… Các giải thưởng cùng sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan đã giúp cho Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Tuy nhiên, trên con đường xây dựng “thành phố môi trường”, với thực tiễn phát triển “nóng”, thành phố vẫn gặp phải những bất cập. Diện tích cây xanh bình quân đầu người tuy có được nâng lên nhưng phần diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất chưa đảm bảo.
Áp lực tăng trưởng “nóng” về du lịch, dịch vụ làm cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển không đủ sức chịu tải. Nước thải trong các hệ thống thoát nước vào một số thời điểm mưa lớn tràn ra các cửa xả, gây xấu cảnh quan bãi biển, tác động môi trường cục bộ tại các bãi tắm, rác thải từ các nhà hàng hải sản chưa được thu gom, xử lý triệt gây nên tình trạng tác động cục bộ khu vực.
Tình trạng nước cấp sinh hoạt bị nhiễm mặn, thiếu hụt luôn là điệp khúc mà người dân ca thán vào mùa hè. Các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng chỉ dừng ở mức độ kiểm soát, hạn chế thấp nhất mức độ tác động… Nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy nước vẫn luôn rình rập, khó kiểm soát, hoạt động từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ vẫn còn gây ảnh hưởng môi trường cục bộ ở các khu dân cư…
Tình trạng khai thác tài nguyên ở huyện Hòa Vang phục vụ phát triển đô thị làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đồi núi ở khu vực phía Tây thành phố. Điều này sẽ tác động về lâu dài cho mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Tất cả những điều đó sẽ khiến mục tiêu “thành phố môi trường”, “đô thị sinh thái” sẽ còn rất xa. Để Đà Nẵng, “thành phố môi trường” không chỉ là danh hiệu vì vậy cần có chương trình hành động rất cụ thể của bản thân mỗi chúng ta hôm nay. Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố môi trường, đây không chỉ là sự công nhận của thế giới mà quan trọng hơn chính là sự ghi nhận của thế hệ mai sau cho những nỗ lực của chính quyền và người dân hôm nay trong hành trình xây dựng một thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn: Báo xây dựng