Doanh nghiệp BĐS cần hướng tới sự minh bạch, chuyên nghiệp và linh hoạt khi huy động vốn
Đó là khuyến nghị TS. Cấn Văn Lực đã nhấn mạnh trong buổi Toạ đàm “Bắt mạch” thị trường Bất động sản (BĐS) tổ chức vào chiều 16/9 tại Hà Nội.
Toạ đàm có sự góp mặt của các diễn giả khách mời: TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn – Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cùng sự tham gia của các doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, tài chính,…
Tại Tọa đàm các chuyên gia bất động sản, chuyên gia kinh tế đã phân tích, đánh giá, nhận định về thực trạng tình hình thị trường bất động sản hiện nay và dự báo về xu thế phát triển thời gian tới; những kiến nghị và khuyến nghị về chính sách để quản lý thị trường minh bạch hơn, thông thoáng hơn nhằm giúp thị trường phát triển bền vững hơn, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.
TS. Nguyên Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định về tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam kể từ năm 2019 đến nay đang gặp phải một số vấn đề là không theo kịp các quy định của pháp luật, hệ thống pháp luật chưa hoàn thế em làm cho thị trường gặp nhiều rào cản. Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS): Tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180 ngàn sản phẩm mới nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110 ngàn, năm 2020 chỉ còn hơn 90 ngàn sản phẩm.
Do ảnh hưởng của nặng nề của dịch Covid-19 vào năm 2021, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để. Điều này khiến cho nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50 ngàn sản phẩm.
Sơ bộ 9 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy, có hơn 32.200 sản phẩm mới được chào bán, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ các căn hộ giảm sút, chỉ ở mức gần 48%, thấp hơn 3,2 điểm % so với năm 2021. Riêng trong quý III/2022, chỉ có khoảng 9.500 căn hộ được đưa ra thị trường, giảm 23% so với quý II/2022.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, cần có những quy định pháp luật để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Qua đó, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân.
Trong buổi thảo luận, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn – Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã giải đáp một số câu hỏi của các doanh nghiệp “Làm thế nào để tiếp cận nguồn vốn 4% từ nay đến cuối năm?” để giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong giai đoạn siết chặt tín dụng.
Gói hỗ trợ này dự kiến sẽ còn kéo dài, bởi Trung Quốc cũng mới ban hành một gói phục hồi tương tự như Việt Nam. Chính xác của Trung Quốc là gói hỗ trợ 2,5%, còn của Việt Nam là 2%. Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án để phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đang phải bơm tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để trợ cấp cho người dân do giá năng lượng quá cao. Ngoài ra còn co giãn, hoãn thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm tiềm lực để phát triển.
Về giải pháp cho doanh nghiệp BĐS, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài tín dụng, doanh nghiệp BĐS cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, từ quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…
Theo ông Lực, doanh nghiệp cần hướng tới sự minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết… Khi huy động vốn cần gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, rõ ràng và quan tâm quản lý rủi ro tài chính (lãi suất, tỷ giá, dòng tiền…)./.