“Cà phê đường tàu” – Mất an toàn, vi phạm pháp luật không thể là “điểm nhấn” của du lịch Hà Nội
Đang trong thời điểm ôn tập để chuẩn bị thi lấy bằng lái xe, người viết bài rà soát các câu hỏi liên quan đến đảm bảo an toàn đường sắt thì thấy theo luật, bất kỳ xe nào khi đến điểm giao nhau giữa đường bộ với đường sắt, nếu có tín hiệu đèn báo, barie, nhân viên trực chốt báo hiệu tàu sắp chạy qua đều phải dừng trong phạm vi tối thiểu 5 mét.
Đa số các hộ kinh doanh “cà phê đường tàu” đều vi phạm hành lang an toàn chạy tàu theo quy định, làm ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng cho du khách và hành khách đi tàu nên việc UBND quận Hoàn Kiếm thu hồi giấy phép kinh doanh là cần thiết và đúng quy định của pháp luật. (ảnh: Minh Phương) |
Từ quy định của Luật Giao thông đường bộ, đối chiếu với việc kinh doanh hàng quán hai bên đường tàu tại các khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm đang gây xôn xao dư luận mấy hôm nay, chúng ta khẳng định, việc kinh doanh đó là vi phạm pháp luật. Nhiều du khách còn đi bộ, checkin trên đường ray, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người dân và gây mất an toàn giao thông.
Trên bình diện kinh doanh, pháp luật nước ta quy định, người dân được phép kinh doanh những loại hình mà luật cho phép, nhưng phải tuân thủ pháp luật. Việc các hộ dân sinh sống hai bên đường tàu thuộc các phường nêu trên tận dụng không gian kinh doanh cà phê, đồ ăn nhanh để có thêm thu nhập, mưu sinh cũng là điều có thể cảm thông. Nhưng xét góc độ luật, đa số các hộ đang vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Cha ông ta xưa có câu “mất bò mới lo làm chuồng”, nếu chính quyền không kiên quyết chấn chỉnh cà phê đường tàu theo luật pháp, để cho một “nhóm nhỏ” tự phát kinh doanh, “chẳng may” trong quá trình vận hành đường sắt xảy ra tai nạn, hệ lụy sẽ như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu là hậu quả nhân mạng? Do đó, không thể vì lợi ích của thiểu số mà làm ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe, tính mạng của đa số. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc.
Xét về góc độ kinh tế và du lịch, như đã đề cập, “cà phê đường tàu” không phải là “hồn cốt” tạo nên điểm nhấn du lịch Thủ đô; không phải nơi để người đi xa nhớ về Hà Nội. Còn góc độ GDP, so với quy mô về nguồn thu từ du lịch cho ngân sách thành phố Hà Nội nói riêng, góp phần cho tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thủ đô nói chung, chắc chắn nguồn thu từ “cà phê đường tàu” chỉ là con số rất nhỏ.
Ngay nói về thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm, đóng góp từ “cà phê đường tàu” cũng… rất ít. Nói thế không phải là coi nhẹ “miếng bánh nhỏ”, mà chỉ muốn khẳng định rằng, cấm “cà phê đường tàu” là “Hà Nội vô tình đánh mất nguồn thu từ du lịch hay đánh mất hình ảnh du lịch Thủ đô” như một số người từng nhận định trên không gian mạng là phiến diện.
Xét góc độ quy hoạch, đành rằng cấm kinh doanh “cà phê đường tàu” có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến việc làm, thu nhập của một số hộ dân nơi đây, nhưng nên nhớ theo quy hoạch đã được Chính phủ thông qua, tới đây Ga Hà Nội sẽ được di dời đi nơi khác, đồng nghĩa với việc đường tàu chạy qua khu vực này chỉ là “hoài niệm”. Khi không còn đường tàu chạy qua, chắc chắn người dân sẽ phải sinh kế theo những hướng khác.
Mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thượng tôn pháp luật luôn là tiêu chí hàng đầu mỗi người dân có bổn phận thực thi. Do vậy, việc UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các hộ hai bên hành lang đường sắt thuộc địa bàn các phường Cửa Đông, Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) không chỉ là chính quyền đang thực thi luật pháp mà còn góp phần tạo sự an toàn đối với người dân, du khách và hành khách đi tàu.
Rõ ràng, những hoạt động vi phạm luật giao thông, mất an toàn không thể là “điểm nhấn” của du lịch Hà Nội!
Nguồn: Báo lao động thủ đô