Nữ sinh say mê nghiên cứu khoa học về môi trường
Nữ sinh say mê nghiên cứu khoa học về môi trường
Với 2 đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường, Phan Thị Bình, sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội, đang ấp ủ đề tài nghiên cứu về người phụ nữ miền núi với công tác quản lý tài nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Phan Thị Bình (sinh năm 2001) đến từ huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cô đang theo học ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường thuộc Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường, trường Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội.
Sau khi học xong cấp 3, với niềm đam mê hoạt động bảo vệ môi trường, Bình đã thi vào chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Dưới sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, Bình đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, tiếp cận các công nghệ trong ngành môi trường, mối liên hệ giữa tài nguyên và môi trường. Ngoài ra cô còn tham gia các CLB bảo vệ môi trường, chương trình gắn liền với ngành học của mình.
Tại nơi học tập, Bình đã được tham gia các hoạt động như đổi vải lấy cây, tuyên truyền nâng cao ý thức về túi nilon, rác thải nhựa, trồng cây tạo cảnh quan; tham gia “Chủ nhật xanh – Giảng đường sạch”, “Hành trình khám phá Lâm nghiệp” và các buổi tọa đàm như: “Bàn luận về các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, rừng bền vững và đa dạng sinh học”; làm tình nguyện viên cho chương trình “Một triệu cây xanh đô thị Việt Nam”.
Càng tham gia hoạt động vì môi trường, Bình càng khao khát cống hiến sức mình để góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng. Bình đã tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học tại trường với đề tài về quản lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn và ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên nước mặt. Các đề tài nghiên cứu khoa học đó cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn phục vụ công tác quản lý, giám sát và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp cho mỗi dạng tài nguyên. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp cô có thêm kiến thức chuyên ngành, cách thức hoạt động nhóm và kết nối với nhiều bạn trẻ cũng có đam mê về lĩnh vực này.
Theo Bình, hiện nay các trường học đã lồng ghép vào chương trình học các môn liên quan đến bảo vệ môi trường. Sinh viên cũng được tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, về luật, chính sách bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ môi trường, việc tuyên truyền, giáo dục không chỉ dừng ở trường học mà cần đến gần với cộng đồng hơn. Cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu cụ thể để có giải pháp phù hợp trong quản lý tài nguyên và môi trường.
Với cá nhân Bình, thời gian tới, ngoài hoạt động nghiên cứu tại trường, cô sẽ tiếp tục tham gia các chương trình về môi trường do Đoàn thanh niên – Hội sinh viên phát động; tổ chức, sáng tạo các chương trình cùng với CLB “Vì môi trường-VNUF” để lan tỏa những hành động tích cực đến đông đảo sinh viên…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị