Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng Việt Nam
(Xây dựng) – Nhìn lại hơn 35 năm đổi mới, ngành Xây dựng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, góp phần giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới. Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội Việt Nam đương đại, việc phát triển nguồn nhân lực đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, mang tính chất quyết định, định hình tương lai của cả ngành Xây dựng.
PGS.TS Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: “Đổi mới chương trình đào tạo có tính phổ quát cao, hỗ trợ sinh viên có khả năng để hội nhập quốc tế, tìm ra vị trí việc làm vững chãi trong thị trường lao động vốn đang rất khốc liệt”. |
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển nguồn nhân lực, tại Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011-2020) đã khẳng định, con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021 đã nhấn mạnh đến nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) là 1 trong 3 đột phá chiến lược với mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Thời điểm vàng” của ngành Xây dựng Việt Nam: Cơ hội hay thách thức?
Trong những năm qua, Việt Nam có đang tốc độ đô thị hóa chóng mặt của khu vực và trong đó có những đô thị được đánh giá là điểm đến hấp dẫn mang tầm thế giới. Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và công nghiệp phát triển vào năm 2040 thì tốc độ đô thị hóa của nước ta phải đạt đến con số 50-60%. Con số đó minh chứng cho “thời điểm vàng” của ngành Xây dựng, nhưng đồng thời, cũng là những gánh nặng, áp lực, đòi hỏi ngành phải có sự phát triển về số lượng và chất lượng tương xứng để đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam đương đại.
Báo cáo đánh giá về thực trạng chất lượng nhân lực ngành Xây dựng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay có 78.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng (gồm các thành phần kinh tế), với khoảng 7 triệu lao động. Nhưng số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành Xây dựng. Đáng nói hơn nữa là cơ cấu bình quân hiện nay ở Việt Nam giữa kỹ sư – trung cấp chuyên nghiệp – công nhân học nghề lần lượt tương ứng tỷ lệ 1 – 1,3 – 0,5. Trong khi ở các nước trên thế giới bình quân là 1 – 4 – 10. Tỷ lệ này phản ánh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, nhu cầu xây dựng của Việt Nam ngày càng tăng cao, số lượng lao động của ngành Xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12-13 triệu người.
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Xây dựng là vấn đề thiết yếu. |
Thực tế hiện nay, các công trình lớn của đất nước đang thu hút nhiều các kiến trúc sư nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam. Điều này góp phần đẩy mạnh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng như là trao đổi kinh nghiệm cho kỹ sư trong nước. Thế nhưng làm thế nào để các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng của Việt Nam có được tiếng nói ngày càng quan trọng hơn và có tính quyết định hơn trong những hạng mục công trình quan trọng trong nước và trên trường quốc tế?
Theo TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (VFCEA), chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể cạnh tranh khi đấu thầu các dự án trong và ngoài nước.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, khảo sát thực tế cho thấy năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động chuyên ngành được đánh giá là vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng người được đào tạo nghề có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và không cân đối giữa các trình độ đào tạo. Mức độ thành thạo, tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao. Nhiều nơi, nhiều lúc một bộ phận lao động ngành Xây dựng chưa đáp ứng với yêu cầu trình độ công nghệ và tốc độ phát triển sản xuất của ngành.
Trong hoàn cảnh ấy, để có thể nắm bắt “thời điểm vàng” của ngành Xây dựng, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng để cải thiện năng lực cốt lõi của ngành kiến trúc, mỹ thuật và xây dựng, qua đó, biến những thách thức thành cơ hội cho sự phát triển đột phá của ngành.
Nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận trình độ của thế giới
Thực trạng nguồn nhân lực hoạt động xây dựng thiếu cả số lượng và yếu về chất lượng là một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp, nhất là các nhà thầu phải đối mặt. Các chuyên gia nhận định, chính thực trạng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, tiến độ chậm, chất lượng sản phẩm còn nhiều sai phạm, có nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa, hạn chế về năng lực khi tham gia vào thị trường quốc tế và khối cộng đồng chung ASEAN.
Bởi vậy, không chỉ có nhu cầu tăng nhanh về số lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng mà vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là bức thiết để đáp ứng các nhu cầu ngành Xây dựng Việt Nam đang ngày một tăng nhanh.
Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng tới việc tiếp cận trình độ của các nước công nghiệp trên thế giới, thì ngành Xây dựng cần tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ nhất là thành tựu Internet vạn vật, thứ hai là công nghệ in 3D và thứ ba là Big Data. Cùng với những công nghệ tiên tiến như mô hình thông tin công trình (BIM), hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế ảo tăng cường (AR). Dựa vào các nền tảng này, ngành Xây dựng có thể phát triển các sản phẩm như nhà thông minh (Homesmart), đô thị thông minh (Smart City)… Để thực hiện được điều này, ngành Xây dựng cần có nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng số, kỹ năng để ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
Qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn quan tâm cải thiện chất lượng đào tạo trên tất cả mọi lĩnh vực, qua đó, đã trở thành một trong những cái nôi nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội nói chung và cho ngành Xây dựng nói riêng. Trong những năm vừa qua, số lượng tuyển sinh đầu vào của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có mức độ tăng trưởng rất tốt. Chỉ tiêu cũng như điểm chuẩn ngày càng tăng lên cho thấy sự hấp dẫn của hệ thống chuyên ngành đào tạo cũng như là cái chất lượng của tuyển sinh đầu vào, của nhà trường ngày càng có hiệu quả hơn và có những hy vọng về lứa kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng có được những bước phát triển tốt đẹp và có những sự đóng góp hiệu quả cho đất nước trong thời gian tới.
Chia sẻ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng, PGS.TS. Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, với 26 chuyên ngành đào tạo khác nhau, nhà trường đang sử dụng hệ thống chương trình đào tạo có tính phổ quát cao, có khả năng để hội nhập quốc tế và được kiểm định hết sức nghiêm ngặt trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển chuyên ngành. Qua đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp lên tới 97%.
Sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp đào tạo mới mẻ như chương trình đào tạo thực tế, chương trình đào tạo thông qua workshop, chương trình đào tạo thông qua các hệ thống nghiên cứu thực hành hệ thống công nghệ số hóa hay là các thực tế ảo…
Nhà trường có chiến lược đưa các hệ thống chương trình sử dụng các công cụ tiên tiến vào chương trình đào tạo sinh viên, ví dụ mô hình thông tin công trình (BIM) đã được giảng dạy ở trường. Trong thời gian tới, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống phòng Lab, nhà xưởng để phục vụ nhu cầu thực hành ngày càng lớn của sinh viên. Ngoài việc học kiến thức ở trường thì sinh viên phải được trau dồi thêm văn hóa doanh nghiệp, qua đó, định hướng rõ ràng cách thức để hoàn thiện các kỹ năng của bản thân để phù hợp với các vị trí việc làm trong tương lai gần. Điều đó sẽ giúp sinh viên không bị bỡ ngỡ khi bước chân vào thị trường lao động vốn đang rất khốc liệt.
Hiện nay, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hợp tác với trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse (CH Pháp) dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Pháp (Ministere de la Culture) và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence Universitaire De La Francophonie) triển khai hệ thống đào tạo Cử nhân – Thạc sỹ – Tiến sỹ Kiến trúc (LMD) tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Học viên tốt nghiệp sẽ nhận được bằng do Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse, CH Pháp cấp. Ngoài ra, nhà trường còn triển khai Chương trình Tiên tiến ngành Kiến trúc phối hợp với ĐH Nottingham (Anh Quốc) và Chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học ứng dụng Kiến trúc Nội thất được cấp bởi trường Đại học Curtin (Úc).
Hàng ngàn dự án hiện đại được xây mới với tốc độ chóng mặt, cơ hội hay thách thức đối với nguồn nhân lực ngành Xây dựng. |
PGS.TS. Lê Quân nhấn mạnh, cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, thu hút và sử dụng có hiệu quả tiềm năng của nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng, đặc biệt với những chuyên ngành, nghề tiên tiến, mũi nhọn, công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các trường đào tạo ở các nước phát triển về trao đổi chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ xây dựng để cùng chung tay góp sức vào công cuộc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia nói chung và của ngành Xây dựng nói riêng.
Nguồn: Báo xây dựng