Sản phẩm thân thiện môi trường và chuyện tiêu dùng thông minh

(TN&MT) – Luôn chú trọng tới sức khỏe và môi trường, chị Lê Thu Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất cẩn thận khi lựa chọn đồ gia dụng. Không sử dụng túi nilon bán ngoài chợ, chị vào siêu thị tìm mua túi thân thiện với môi trường. Có khá nhiều lựa chọn cho chị, nhưng…

“Về mặt cảm quan, tôi thấy các cuộn túi bán trong siêu thị có hình thức đẹp, bắt mắt, lịch sự, dày dặn hơn so với túi nilong thông thường. Tất nhiên là giá thành cao hơn, nhưng tiền nào của nấy, tôi vẫn mua dùng để đựng thực phẩm như rau, củ quả để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình” – chị Lan chia sẻ.

Xã hội càng hiện đại, nhiều người có quan điểm tiến bộ như chị Lan. Những người tiêu dùng thông minh có nhiều sự lựa chọn hữu ích hơn cho cuộc sống của mình. Thế nhưng, đôi khi, lựa chọn ấy lại gặp phải sự nhầm lẫn.

Khi vào siêu thị, chị Lan gặp nhiều sản phẩm túi nhựa của các hãng khác nhau, in cả chữ tiếng Việt, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó có thêm dòng chữ “phân hủy sinh học”, “thân thiện với môi trường”. “Tôi nghĩ rằng có chữ đó là túi chất lượng tốt nên chọn mua” – chị Lan bày tỏ.

Điều chị Lan băn khoăn là giá thành các loại túi khác nhau rõ rệt. Có sản phẩm túi in chữ “phân hủy sinh học” có giá khoảng hơn 40.000đ/kg, có loại lại hơn 100.000đ/kg. Theo tâm lý thông thường, chị Lan chọn loại rẻ hơn về sử dụng.

Người tiêu dùng nhầm lẫn hay sự mập mờ của nhà sản xuất?

Không phải cứ có dòng chữ “phân hủy sinh học”, “thân thiện môi trường” là sản phẩm đó thực sự phân hủy sinh học hay thân thiện với môi trường” – TS. Hoàng Dương Tùng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo.

Theo ông Tùng, bao bì thân thiện với môi trường nhận được Chứng nhận của Tổng cục Môi trường cấp, dựa trên đánh giá, phân tích khoa học của các phòng thí nghiệm, thậm chí, có những mẫu phải chuyển ra nước ngoài để thử nghiệm.

Nếu không phải bao bì thân thiện với môi trường, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất sẽ phải chịu mức thuế là 50.000đ/kg.

a3.jpg

Đa dạng sản phẩm bao bì “thân thiện môi trường” tại các siêu thị

Hiện nay, sản phẩm bao bì vẫn có sự nhầm lẫn giữa đặc tính “phân hủy” và “phân rã”, dẫn đến sự mập mờ, nhập nhèm giữa các sản phẩm phân hủy và phân rã; khi các sản phẩm chỉ có khả năng phân rã núp bóng là các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học.

Giải thích rõ hơn về sự nhầm lẫn giữa hai loại sản phẩm, TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch EPMA thông tin, sản phẩm nhựa tự hủy OXO – thường bị nhầm lẫn với nhựa phân hủy sinh học, nhưng thực chất chỉ có khả năng phân rã thành vi nhựa gây hại môi trường hơn sản phẩm nhựa truyền thống.

Nhựa tự hủy OXO được làm từ polyme thông dụng như PE, PP, PS và trộn với các chất phụ gia phân hủy OXO trong quá trình gia công. Khi gặp môi trường phù hợp như UV, tác động cơ học, các phụ gia này sẽ trở thành tác nhân oxy hóa, khiến cho nhựa nhanh chóng bị lão hóa, và phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ gọi là hạt vi nhựa. Những hạt vi nhựa này vẫn là các polyme gốc ban đầu (PE, PP, PS…), có thời gian tồn tại lên tới vài trăm năm. “Chúng không có khả năng phân hủy sinh học và dễ dàng phát tán vào môi trường sống”- ông Long nói.

Làm sao để phân biệt được?

Chị Lan và nhiều người tiêu dùng vẫn còn đang mơ hồ khi phân biệt nhựa tự hủy OXO với các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thực sự. Gợi mở cho băn khoăn này, TS. Nguyễn Lê Thăng Long chia sẻ, để trở thành người tiêu dùng thông thái, khách hàng có thể nhận diện một số chứng chỉ quan trọng chứng nhận khả năng phân hủy sinh học, thân thiện môi trường của sản phẩm được in trên bao bì như: TCVN13114, DIN Certco, Seedling, BPI Compostable, OK Compost HOME, OK Compost INDUSTRIAL…

Ngoài ra, khách hàng có thể nhận biết các loại sản phẩm thực sự thân thiện môi trường thông qua việc quan sát các thành phần in trên bao bì các sản phẩm. Đơn cử với sản phẩm nhựa tự hủy OXO trên thị trường dù có tên “sản phẩm nhựa tự hủy sinh học” nhưng thành phần thực tế trên bao bì ghi là PVC, HDPE, LDPE, PE và phụ gia OXO… Trong khi đó, các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học thành phần in trên bao bì có thể là tinh bột, PBAT…

a2.jpg
Khách hàng có thể nhận biệt sản phẩm thân thiện môi trường thông qua các chứng chỉ hoặc thành phần in trên bao bì sản phẩm

Tại Việt Nam, khách hàng có thể tìm mua các các bao bì có khả năng phân hủy sinh học tại các siêu thị lớn hoặc các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada…

Hiện nay, bao bì từ nhựa phân hủy sinh học đã được các đơn vị lớn tin dùng, như Vinamilk, Pizza 4P’s, Soc&Brothers… Là chuỗi cửa hàng cho mẹ, bé và gia đình, đại diện Soc&Brothers cho biết, mặc dù sản phẩm túi phân hủy sinh học có giá thành cao nhưng vẫn được chuỗi cửa hàng này sử dụng trong đựng và đóng gói hàng cho khách, với mong muốn phân phối các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời việc này cũng hướng đến tệp khách hàng có hiểu biết, phong cách sống hiện đại, tích cực.

a1.jpg

Chuỗi cửa hàng Soc&Brothers sử dụng sản phẩm túi phân hủy sinh học

Tương lai cho “nhựa xanh”

Đánh giá cao những ưu điểm về sức khỏe, môi trường của nhựa phân hủy sinh học, TS. Đặng Thị Kim Chi – Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học.

Tạo động lực cho sự chuyển đổi này, theo TS. Đặng Thị Kim Chi, có 3 vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất là cần có chính sách cụ thể, đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để quy định về nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn ở Việt Nam.

Thứ hai là về mặt khoa học, cần tiếp tục cải tiến chất lượng của các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, như về độ bền, sức kéo và giá thành. Làm sao để có độ bền tốt hơn, chịu lực nặng hơn và hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba là tuyên truyền, khuyến khích người dân tự giác chuyển sang dùng bao bì thân thiện với môi trường. Ở đây, chính quyền cần vận động nhân dân tự giác thay thế các túi nilon khó phân hủy sang túi phân hủy sinh học hoàn toàn. Việc này cần dựa vào các tổ chức như hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… thậm chí là cả các tổ chức tôn giáo, các hương ước để có sự chuyển đổi thực sự trong xã hội.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội về việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần gây hại cho môi trường, chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp vẫn giữ vị trí tiên phong, khi cung cấp sản phẩm đầu vào cho thị trường.

Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học, lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, nhựa phân hủy sinh học có rất nhiều ứng dụng. Doanh nghiệp này cũng không ngừng đưa ra thêm các giải pháp để bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng với dòng sản phẩm AnEco như: màng bọc thực phẩm, túi zip tủ đông, giải pháp trong mỹ phẩm, thực phẩm, đóng gói, y tế,…

Cùng với đó, Tập đoàn An Phát Holdings cũng đang xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT. Đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á với công suất ban đầu 30,000 tấn/năm. Dự kiến đi vào hoạt động năm 2024, nhà máy sẽ giúp An Phát Holdings hạ giá thành sản phẩm xanh trên thị trường.

“Đây là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu giảm phát thải mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với thế giới. Con đường thay thế hết những sản phẩm gây hại cho môi trường là một con đường dài, nhiều chông gai, thách thức. Do đó, rất cần có sự kiên trì và mạnh dạn đầu tư trí tuệ, nguồn tài chính, công nghệ của doanh nghiệp để Việt Nam vững bước trong quá trình phát triển xanh” – TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch EPMA nhấn mạnh./.

Bạn cũng có thể thích