Lương công chức, viên chức: Mẹ giáo viên lương không đủ nuôi con

Viên chức giáo viên gắn bó hơn 10 năm nhưng lương không đủ nuôi một đứa con có lẽ là nỗi trăn trở của người làm nghề giáo…

Rất khó để lương giáo viên đủ chi tiêu

Chị Nguyễn Thị Liên – giáo viên dạy cấp 1 ở xã Eatam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk – được ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế từ năm 2013 sau 2 năm ra trường. Năm 2020, chị thi vào biên chế viên chức chính thức.

Hiện mức lương chị nhận được là 6,1 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập cố định vì chị không dạy thêm.

“Tôi là giáo viên bậc 5 nên lương mới được như vậy, giáo viên mới ra trường, lương được 4 triệu đồng nhưng phải tự đóng bảo hiểm xã hội. Thành ra 1 tháng lương của họ chỉ được hơn 3 triệu đồng” – chị Liên nói.

Chị Nguyễn Thị Liên - giáo viên cấp 1 một trường tiểu học ở xã Eatam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk phải bán thêm hàng để tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: PV.
Chị Nguyễn Thị Liên – giáo viên dạy cấp 1 ở xã Eatam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk – phải tranh thủ bán hàng để tăng thu nhập. Ảnh: PV

Chị Liên liệt kê các khoản chi cần thiết trong 1 tháng gồm tiền sữa của con 2 triệu đồng, học phí cùng những chi phí khác 3 triệu đồng; đám hiếu hỉ, tân gia 1-2 triệu đồng. Đó là chưa kể ốm đau, tiền ăn uống hằng ngày. Tổng thu nhập 6,1 triệu đồng/tháng, nữ giáo viên than thở: “Nếu bảo lương của tôi đủ chi tiêu thì không có chuyện đó”.

Để có tiền trang trải, ngoài giờ dạy học trên lớp, chị Liên còn buôn bán thêm. Mùa nào thức nấy, chị Liên thường nhập trái cây của người dân trong vùng rồi bỏ sỉ cho khách ở tỉnh khác. Chị cho hay, công việc làm thêm này vất vả vì mỗi lần gửi hàng, chị phải chạy xe máy 25-40km để ra phố gửi hàng, chuyến nào cũng bao này, thùng kia, rất cồng kềnh. “Tuy vậy, tiền kiếm được từ công việc này gấp 2-3 lần lương giáo viên” – chị Liên chia sẻ.

Theo chị, lương giáo viên không cao nhưng vì yêu nghề nên chị vẫn sẽ làm song song 2 việc để giữ nghề.

Chị Trần Thị Phấn – giáo viên THCS ở Quảng Ninh – mới vào viên chức từ năm 2021. Trước đây, chị là giáo viên cơ hữu ở trường dân lập. Khi trở thành viên chức tại trường công lập, chị được chuyển ngang lương.

“Rất may, tôi không phải bắt đầu lại từ đầu với mức lương khởi điểm đối với viên chức. Những trường hợp mới vào trường làm viên chức mà tôi biết, có mức lương rất thấp. Cụ thể, bậc lương của họ là 2,34 nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tính ra được khoảng gần 3,5 triệu đồng/tháng. Người mới vào còn chỉ được hưởng 85% của mức này” – chị Phấn nói.

Được chuyển ngang lương, nhưng mức lương của chị Phấn cũng chỉ dừng lại ở mức 7 triệu đồng/tháng. 4 năm học đại học, chị Phấn đi dạy một thời gian rồi tiếp tục học cao học trong 2 năm để nhận bằng Thạc sĩ. Sau 15 năm gắn bó với nghề, nữ giáo viên này cho rằng: “Lương tôi đang hưởng như hiện nay là quá thấp, không xứng với thời gian, nỗ lực mà tôi bỏ ra khi theo nghề”.

Chị Phấn đề xuất, mức lương hợp lý trả cho viên chức là giáo viên hiện nay ít nhất phải nuôi được một đứa con. “Hiện giờ, việc học của các con rất tốn kém. Ngoài học ở trường, các con còn phải học thêm, rất nhiều khoản phải chi, lương giáo viên chưa đủ để nuôi một đứa con” – chị Phấn nhận định.

Chị Phấn có 2 người con (lớp 8 và lớp 5). Để có thêm tiền nuôi con ăn học, chị Phấn phải đi dạy thêm. Kể cả số tiền đi dạy thêm có được thì tổng thu nhập của chị khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Chồng chị làm công nhân, thu nhập không cao, vì thế, dù cố gắng thu nhập một tháng của vợ chồng chị chỉ đủ để sinh hoạt cho cho cả gia đình, nuôi các con ăn học, rất ít khi dành dụm được một khoản tiền nào dự phòng.

Chị Phấn kể thêm, vừa qua, khi về họp lớp cấp III, chị thấy những người chọn nghề giáo viên cũng có những tâm sự tương tự. Lương quá thấp nên nhiều người phải làm thêm các nghề tay trái để có thêm thu nhập; người nào may mắn có chồng thu nhập tốt nên đời sống dễ thở hơn…

Lương thấp – khó thu hút những người giỏi làm nghề giáo

Chia sẻ về mức lương của giáo viên hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng – khi lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 đến 4,68 triệu đồng/tháng thì ở khu vực công, người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng. Như vậy, có thể thấy, lương của giáo viên đang ở mức rất thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục, chủ trương lương nhà giáo “cần được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp” được đề cập ở Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (năm 1996) và tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng đến nay chưa được thực hiện; thậm chí nhà giáo còn chịu mức lương cơ sở dưới mức lương tối thiểu vùng.

Vừa qua, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội có giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp tại một số địa phương, trong đó có TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang…

Thực tiễn cho thấy, dù đảm đương công việc hết sức vất vả nhưng giáo viên mầm non mới ra trường chỉ thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, người có lương cao nhất ở trường cũng chỉ hơn 9,5 triệu đồng/tháng.

Tương tự, giáo viên phổ thông nhận từ gần 3,5 đến hơn 10,1 triệu đồng mỗi tháng – ngoài lương, hầu như không có nguồn thu tăng thêm, không có tiền thưởng dịp lễ, Tết.

“Lương giáo viên thấp, chúng ta phải nhìn nhận rằng, khó có thể thực hiện mục tiêu thu hút những người giỏi, người có năng lực nhất vào nghề giáo, gắn bó với nghề giáo, toàn tâm toàn ý chăm lo cho sự nghiệp trồng người; và đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục, đào tạo”, bà Mai Hoa khẳng định.

Theo Minh Phương – Bảo Hân/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/luong-cong-chuc-vien-chuc-me-giao-vien-luong-khong-du-nuoi-con-1093420.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích