Diễn biến chất lượng môi trường không khí khu vực miền Trung 6 tháng đầu năm 2022
Diễn biến chất lượng môi trường không khí khu vực miền Trung 6 tháng đầu năm 2022
Qua kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2022 tại các tỉnh khu vực miền Trung cho thấy, môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn.
Năm 2022, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên, được giao thực hiện Chương trình quan trắc tại 33 điểm không khí thuộc địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Chất lượng môi trường không khí được đánh giá, so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 26:2010/BTNMT Sau đây là diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước 3 đợt năm 2022 (thực hiện từ tháng 1- 6/2022).
Qua kết quả quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và cường độ dòng xe 3 đợt 6 tháng đầu năm 2022 tại các tỉnh khu vực miền Trung cho thấy, môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn với tỉ lệ trung bình là 53,5% giá trị TSP vượt QCVN 05:2013/BTNMT ((QCVN 05), TB 01h, 300 µg/m3) và 24,2% giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT ((QCVN 26), 70 dBA, áp dụng với khung thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, cho khu vực thông thường) tập trung tại các điểm quan trắc trục giao thông lớn, khu đô thị thương mại và gần KCN, các thông số SO2 và NO2 thấp hơn giới hạn cho phép.
Bảng 1. Tỷ lệ % thông số vượt ngưỡng trong môi trường không khí tại khu vực miền Trung 6 tháng đầu năm 2022
Qua 3 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2022, tại 33 điểm cho thấy, giá trị TSP dao động từ 137 – 352 µg/m3, với giá trị TSP trung bình cao nhất tại điểm đo Trước ô tô Trường Hải – Quảng Nam (344 µg/m3) vượt QCVN 05 1,15 lần, nguyên nhân đây là nút giao thông ngay đường Quốc lộ 1A nên lưu lượng xe cộ qua lại lớn làm gia tăng giá trị TSP. Các điểm quan trắc có giá trị TSP vượt quy chuẩn tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông, khu đô thị thương mại và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp.
Giá trị TSP trung bình thấp nhất tại điểm đo khu dân cư phía Tây KCN Tam Hiệp – Quảng Nam (163 µg/m3) do đây là điểm tập trung dân cư thưa thớt, phương tiện giao thông qua lại tại vị trí này thấp, dao động từ 4 – 62 chiếc.
Giá trị TSP trung bình 6 tháng đầu năm 2022 vượt QCVN 05 (300 µg/m3) với 8/33 điểm quan trắc, chiếm tỷ lệ 24,2%. Tỉ lệ số điểm có giá trị vượt QCVN 05 tăng dần từ đợt 1 đến đợt 3 (cụ thể đợt 1: 6/33 điểm, đợt 2: 7/33 điểm; đợt 3: 11/33 điểm). Nhìn chung giá trị TSP tại các địa phương khu vực miền Trung có xu hướng tăng dần từ đợt 1 (tháng 3,4) đến 3 (tháng 5,6).
Ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc: trên tuyến giao thông lớn, khu đô thị thương mại và gần KCN, đặc biệt vào các giờ cao điểm, mức độ ồn dao động trong khoảng 50,7 – 84,7 dBA. Tỉ lệ số điểm có giá trị vượt QCVN 26 tăng dần từ đợt 1 đến đợt 3 (cụ thể đợt 1: 17/33 điểm, đợt 2: 18/33 điểm; đợt 3: 18/33 điểm). Các điểm quan trắc có giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26 cả 03 đợt quan trắc 6 tháng đầu năm 2022: Đông KCN Phú Bài, Tây Bắc KCN Phú Bài, Chợ Đông Ba (Thừa Thiên – Huế); Tây KCN Liên Chiểu, Đông KCN Hòa Khánh, Ngã 5 đầu đường Trần Bình Trọng (Đà Nẵng); Trước ôtô Trường Hải, KDC phía Bắc KCN Tam Hiệp, Chợ Tam Kỳ (Quảng Nam); KDC trước KCN Sài Gòn – Dung Quất, Đông KCN Quảng Phú, Tây KCN Quảng Phú, Ngã tư Quang Trung – Hùng Vương (Quảng Ngãi); Khu KTTH Nhơn Hội, phía Đông KCN Phú Tài, Ngã tư Ỷ Lan – Lê Hồng Phong, Phường Quang Trung (Bình Định).
Từ kết quả quan trắc môi trường không khí 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy: giá trị các khí ô nhiễm SO2, NO2 đều nằm trong giới hạn QCVN 05 chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Tuy nhiên, giá trị tổng bụi lơ lửng và tiếng ồn trung bình vượt quy chuẩn tại một số KCN, khu đô thị thương mại và trục giao thông lớn: Đông KCN Phú Bài, Chợ Đông Ba (Thừa Thiên – Huế); Tây KCN Liên Chiểu, Đông KCN Hòa Khánh, Ngã 5 đầu đường Trần Bình Trọng (Đà Nẵng); Trước ôtô Trường Hải (Quảng Nam); Ngã tư Quang Trung – Hùng Vương (Quảng Ngãi); Phường Quang Trung (Bình Định).
ThS. Phạm Quang Hiếu
ThS. Phạm Thị Hữu
ThS. Đỗ Hải Hà
ThS. Lê Châu Quang Viễn
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên
Tổng cục Môi trường
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị