Không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong
(Xây dựng) – Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long – tại cuộc họp trực tuyến cuối với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An để triển khai công tác phòng, chống dịch, diễn ra cuối giờ chiều 21/7.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Tại đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo các Cục/Vụ/Văn phòng Bộ. Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo các Cục/Vụ/ Viện/Trường của Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch tại 24 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Cùng tham dự có các đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại một số tỉnh phía Nam.
Cuộc họp đã trao đổi, đánh giá, nhận định tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp đã triển khai thời gian qua. Theo đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca bệnh sẽ gia tăng, và đặc biệt có thể xuất hiện bệnh nhân nặng trong thời gian tới đây.
Do đó song song với việc giảm số ca mắc thì việc giảm tỷ lên tử vong được coi là nhiệm vụ ưu tiên, hàng đầu. Về giảm tải hệ thống y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng bộ phận phía Nam đã thống nhất chỉ đạo phân loại các trường hợp nghi nhiễm; nhiễm; trường hợp bệnh nhân và bệnh nhân nặng.
Cụ thể, đối với trường hợp nghi nhiễm khi xét nghiệm bằng test nhanh dương tính thì được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm – cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập dựa vào cộng đồng
Khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính nếu nồng độ virus ở mức độ thấp (CT> 30) thì được quản lý và theo dõi y tế tại nhà.
Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân sẽ chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người nhiễm COVID-19 ban đầu. Cơ sở này được hình thành từ các khu ký túc xá, nơi lưu trú, bệnh viện dã chiến… mức độ ban đầu
Đối với bệnh nhân có triệu chứng tiến triển, được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương.
Đối với bệnh nhân có tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch thì đưa ngay đến các cơ sở điều trị có khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh do TS Nguyễn Tri Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành.
“Việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải để điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nặng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Từ đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời động viên, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng cán bộ do Bộ Y tế cử đi làm nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong những ngày qua cùng các địa phương triển khai phòng chống dịch. “Các đồng chí vất vả, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các đồng chí”- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Cũng trong ngày 21/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có văn bản số 5838/BYT-KCB gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo sẵn sàng thu dung, điều trị COVID-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động… với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu…
Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các Bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng. Phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp oxy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này.
Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm; và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch thiết lập trung tâm hồi sức cấp vùng để sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần.
Nguồn: Báo xây dựng