Hà Nội: Hàng loạt sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô chưa được xử lý
(Xây dựng) – Nằm trên vị trí đất vàng của Hà Nội, được coi là công trình trọng điểm của quận Hai Bà Trưng, với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang dần xuống cấp và trở thành “điểm đen” về hàng loạt sai phạm không được cương quyết xử lý và chấn chỉnh.
Toàn cảnh Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng là một trong 9 công trình trọng điểm của thành phố. |
Tìm hiểu được biết, dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng…Thời gian thực hiện dự án từ năm 2002 đến năm 2006. Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên năm 2010, UBND Thành phố có Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội tỷ lệ 1/500 với quy mô diện tích đất, ranh giới lập quy hoạch, hồ nước trung tâm và không gian cây xanh.
UBND quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 18ha tại khu vực phía Tây và phía Bắc công viên gồm 2 hồ nước, diện tích đất giáp phố Võ Thị Sáu và phố Thanh Nhàn.
Hiện trạng đã triển khai thực hiện xây dựng một số hạng mục san nền, hệ thống sân, đường nội bộ, quảng trường, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, công trình phụ trợ.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô một thời – giờ đây chỉ là niềm tiếc nuối
Tháng 6/2016, Hà Nội có quyết định chuyển giao công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội quản lý. Suốt 6 năm được chuyển giao, toàn bộ hạng mục công trình công viên nước vẫn không được đưa vào khai thác trở lại, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hoang phế, tàn tích giữa lòng Thủ đô.
Khu vực vòng quay mặt trời cao 30m là hạng mục lớn trong quần thể vui chơi giải trí được nhập từ Nhật Bản về. Giờ đây chỉ còn là khối sắt hoen gỉ, trụ và ca bin mục ruỗng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. |
Công viên nước khai trương, nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động thì đóng cửa. Hiện nay, hệ thống ống trượt, máng trượt nước ngoài trời từng là địa điểm vui chơi ưa thích của giới trẻ Thủ đô đến nay rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, rỉ sét do không được duy tu bảo dưỡng. |
Lùm xùm tại Công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô: Bao giờ mới đến hồi kết?
Liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và xử lý vi phạm quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, năm 2020 Thanh tra Thành phố Hà Nội đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện về dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Kết luận thanh tra cho biết, có 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, công trình được cấp phép khi chưa được giao đất, vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng.
Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội giao Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (là cơ quan chủ quản của Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội) kiểm tra làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với các sai phạm của công ty này.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn là dự án “treo” với nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng. Việc thực hiện nửa vời, quản lý, giám sát lỏng lẻo của chính quyền địa phương, ngành chức năng và nhiều lần thay đổi chủ đầu tư đã “đẩy” Công viên Tuổi trẻ Thủ đô từ một dự án với nhiều kỳ vọng thành một công trình “tai tiếng”.
Theo đó 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng như: Nhà hàng Queen Bee, khu nhà văn phòng công ty, khu văn phòng trung tâm hợp tác lao động quốc tế, hai sân tennis ngoài trời, sân bóng đá mini, nhà dịch vụ sân bóng đá mini, các điểm trông giữ xe ngày đêm, mái che sân tennnis, nhà hát ngoài trời có mái che Cung Xuân, bể bơi ngoài trời…
Nhà hàng Queen Bee II mọc lên trên ô đất được quy hoạch là đất cây xanh.
Công trình nhà hàng sai phạm được xây dựng kiên cố lấn chiếm cảnh quan trên mặt hồ Thanh Nhàn.
Một số nhà hàng, quán bia được xây dựng kiên cố ngay giữa trung tâm công viên và hoạt động liên tục, ngoài ra khách đến đây có thể thoải mái đỗ xe bất kể chỗ nào.
Nhà thi đấu tennis với sức chứa 1.500 chỗ cũng được Thanh tra Hà Nội kết luận là có sai phạm khi công trình không làm thủ tục thẩm định dự án, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất nhưng UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp phép xây dựng.
Có thể thấy, là một trong những công viên lớn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, nhưng người dân chưa kịp thụ hưởng những dịch vụ, không gian xanh thì các hạng mục đã xuống cấp, dừng vận hành.
Để có thông tin khách quan, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đặt lịch làm việc với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội – đơn vị quản lý hiện tại. Về nội dung này, phía công ty cho biết, sau khi nhận bàn giao, công ty chỉ có nhiệm vụ duy trì các hạng mục thảm cỏ và cây xanh, còn những vấn đề liên quan đến sử dụng đất sai mục đích và xử lý các hạng mục sai phép còn tồn đọng thì không nắm rõ do đơn vị quản lý trước đây mới là đơn vị phụ trách.
Tìm đến địa chỉ của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ tại số 2 Trần Thánh Tông (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì được biết, hiện nay cơ quan này đang trong quá trình sửa chữa nên không có ai tại công ty, bảo vệ cùng trả lời chỉ có nhiệm vụ trông giữ tòa nhà chứ không biết chuyển đi đâu.
Những sai phạm tại dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã được chỉ rõ, vậy những sai phạm này bao giờ mới được xử lý. Đề nghị thành phố Hà Nội cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, giải quyết các tồn đọng, này để người dân sớm được thấy lại diện mạo mới của Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Nguồn: Báo xây dựng