Chung tay bảo vệ “tấm lá chắn” của Trái đất – Tăng cường chốt chặn nhập khẩu
Chung tay bảo vệ “tấm lá chắn” của Trái đất – Tăng cường chốt chặn nhập khẩu
Đối với một lĩnh vực khó và nhiều quy định mới như bảo vệ tầng ô-dôn, việc tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hải quan làm việc trực tiếp tại các cửa khẩu rất quan trọng.
Trong giai đoạn 2020 – 2022, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức tập huấn cho gần 300 cán bộ hải quan cả nước về các quy định mới, góp phần tăng cường năng lực thực thi chính sách.
Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhận định, nhóm buôn lậu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn thường chọn những nước đang phát triển do tỷ suất lợi nhuận buôn lậu mặt hàng này cao, bên cạnh đó, luật pháp liên quan đến quản lý, loại trừ ODS tại nhiều nước chưa chặt chẽ, nguy cơ bị truy tố thấp, hình phạt chưa có tính răn đe.
Hiện nay, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Những tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất và nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal sẽ được xem xét phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất được kiểm soát. Việc phân bổ hạn ngạch với các chất HCFC đã chính thức được áp dụng từ thời điểm Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 có hiệu lực.
Trước đó, Cục Biến đổi khí hậu đã có văn bản trao đổi với Bộ Công Thương để tiếp nhận các hồ sơ đã được xử lý và thực hiện việc phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp nhập khẩu môi chất lạnh, đồng thời, gửi thông báo cho doanh nghiệp biết về các quy định quản lý mới. Việc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HCFC và HFC được thực hiện trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Bà Trần Thùy Anh – Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu sẽ nộp các giấy tờ cần thiết sau khi thực hiện thủ tục nhập khẩu cho cơ quan hải quan. Khi hệ thống Cổng Thông tin một cửa quốc gia được kết nối, việc theo dõi, trừ lùi theo hạn ngạch sẽ được thực hiện thông qua Cổng. Bộ TN&MT phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan thực hiện kết nối hệ thống Cổng Thông tin một cửa quốc gia với hệ thống Dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý để thực hiện phân bổ hạn ngạch và quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát trên hệ thống trước ngày 30/6/2022.
Xác định cơ quan hải quan là một mắt xích quan trọng trong công tác kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại biên giới, Cục Biến đổi khí hậu và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ký kết Biên bản hợp tác giai đoạn 2020 – 2025. Trong khuôn khổ Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn 2 của Việt Nam, gần 3 năm qua, hai đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo phổ biến quy định quản lý và tập huấn về kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, thực thi pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal cho cán bộ hải quan tại các vùng, miền trong cả nước.
Những vấn đề cụ thể bao gồm: Các quy định pháp luật trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính thuộc Nghị định thư Montreal; Thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát; Phân loại áp mã số đối với các chất được kiểm soát tại danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam theo phiên bản năm 2022; Nguyên tắc quản lý, các quy định hiện hành, quy trình dự kiến áp dụng sau khi kết nối Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Ông Vũ Quang Toàn – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan đã và đang tích cực trong công tác xây dựng, cụ thể hóa các cam kết trong các văn bản pháp lý, quy trình giám sát quản lý, quy định mã hồ sơ cũng như thực thi kiểm soát các chất nguy hại. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động phối hợp nhằm tăng cường thực thi các quy định mới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị