Hà Nội của những giấc mơ

(Xây dựng) – Tôi thỉnh thoảng lại mơ ngược về những ngày xưa ấy, ngày tôi đi qua chiếc cổng vàng rực rỡ để chạm vào những ước vọng thanh xuân.

ha noi cua nhung giac mo

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi, trong một cái thị trấn bé xíu, xinh đẹp và hiền lành. Giữa thị trấn, có một ngã ba duy nhất là vị trí nối nhau giữa đường QL 6 và QL 279. Đường 6 dẫn lên thị xã Mường Lay, trung tâm chính trị của tỉnh lỵ Lai Châu – tên tỉnh của chúng tôi thời bấy giờ. Còn đường 279 là đường dẫn từ Điện Biên về Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội, đứa nào trong lớp chúng tôi cũng giữ cho mình giấc mơ được đi Hà Nội. Đi Hà Nội, đi về nơi có ba mươi sáu phố phường trong bài đọc thuộc lòng từ hồi Tiểu học; nơi có Tháp Bút với Hồ Gươm ở trong câu chuyện truyền thuyết mà chúng tôi tập kể ở trường, nơi có vị kem Tràng Tiền làm mát ngọt giấc mơ của bọn trẻ quanh năm đói bụng; nơi có Nhà hát lớn biểu diễn những vở kịch, vở chèo mà lũ chúng tôi thường vẫn thường chờ nghe từ chiếc loa truyền thanh vuông vức gác trên xà nhà vào mỗi đêm thứ 7; giấc mơ đi học ở Hà Nội để sau này nhà bớt đói, bớt nghèo là cảm hứng, là động lực để mỗi chúng tôi cố gắng nhiều năm.

Hết lớp này đến lớp khác, chúng tôi đi Hà Nội, vượt qua những đỉnh núi xanh bao quanh thị trấn, chúng tôi xuôi về nơi có tầm mắt rộng hơn. Chúng tôi đi Hà Nội, hừng hực và háo hức; hồi hộp kèm lo sợ… Hà Nội rộng lớn, Hà Nội dễ lạc, Hà Nội nghiêm cẩn và hào hoa. Hà Nội lạ lẫm làm cho lũ trẻ lần đầu xa nhà chúng tôi choáng ngợp.

Nhưng rồi nhờ một chiếc cổng ngõ màu vàng bình dị, tôi bỗng thấy gần, thấy yêu Hà Nội nhanh hơn nhiều so với tôi vẫn tưởng. Chiếc cổng ấy là một chiếc cổng xây kiểu cũ với lớp ve vàng dẫn vào ngõ Đa Lộc – thuộc đất làng Vòng. Nơi tôi trọ học trong những ngày đầu tiên đến đất Thủ đô có lịch sử ngàn năm. Mỗi lần rời khỏi lò luyện thi trở về tôi đều òa lên mừng rỡ khi nhìn thấy chiếc cổng ấy nổi bật trên cả một dãy phố dài những cửa hàng na ná giống nhau ở đường Xuân Thủy. Chiếc cổng vàng của tôi, chiếc cổng dẫn vào đúng nơi tôi ở, chiếc cổng giúp tôi không bị lạc đường…

Trong những ngày đầu tiên ấy, tôi được ở trong một gia đình người Hà Nội. Cả gia đình gồm 7 người thuộc ba thế hệ sống trong một ngôi nhà rất nhỏ. Ngôi nhà nhỏ nhưng cánh cửa lại luôn rộng mở với hết lứa này đến lứa khác lũ trẻ con miền núi – cháu con của những người bạn cũ đến cậy nhờ.

Những ngày tôi thi là những ngày hè đổ lửa. Bác trai rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đèo tôi đi từng chỗ; bác chở tôi đi về dưới cái nắng gay gắt ban trưa và những lúc tan tầm người xe kẹt dài trên phố. Bác chở tôi chạy ra chạy vào qua cái cổng ngõ màu vàng cũ kĩ ấy với dáng vẻ lo lắng như mẹ, như cha. Mỗi lần bước ra khỏi phòng thi, tôi đều nhận được từ bác ánh mắt động viên, khích lệ. Đường đến giấc mơ của tôi dường như được mở rộng thêm bởi mồ hôi của một người Hà Nội.

Sau này, tôi vẫn hay đi qua chiếc cổng màu vàng ấy để ùa vào nhà bác. Khi thì tôi ngồi nghe bà cụ tóc vấn đuôi gà nói chuyện bằng những lời ca dao vần điệu. Tôi nghe bác trai giảng giải về những loài hoa cảnh mà bác trồng trong những cái chậu nhỏ trước sân. Tôi bám theo bác gái để tập nấu ăn trong những ngày nhà có cỗ. Con bé miền núi vụng về vốn chỉ thèm ăn cho no bụng giờ cũng bắt đầu để ý đến việc trang trí món ăn. Tôi hóng hớt nghe chị gái xinh đẹp nhà bác kể chuyện có anh chàng hàng xóm hay chơi cờ với bác trai mà mắt lại nhìn về phía chị. Tôi ngẩn ngơ nghe tiếng đàn nguyệt sang trọng từ căn gác nhà bên vọng xuống nỉ non, trong vắt… càng ngày tôi càng thấy mình may mắn.

Tôi đã đến Hà Nội vì những khát vọng thanh xuân và vì những giấc mơ luôn tiến về phía trước. Giấc mơ thời tuổi trẻ của tôi đã thành sự thực. Hà Nội và những người Hà Nội hào phóng mà giúp, đã yêu thương mà đỡ, đã nghiêm cẩn mà dạy dỗ, thấu hiểu mà khích lệ… để những đứa trẻ như tôi nhanh chóng trưởng thành.

Lần gần nhất có dịp về Hà Nội, tôi lại vội vàng chạy ùa vào ngõ nhỏ. Nhưng ngôi nhà xưa không còn ở đó. Bà cụ và bác trai đã ra người thiên cổ. Bác gái và các anh chị cũng đã chuyển đi lâu rồi. Ngõ như nhỏ hơn và sâu hút dưới những nhà gác cao tầng. Chỉ còn mỗi cái cổng vàng cổ kính nhìn thấy tôi lặng lẽ rời đi trong một chiều thu mưa bay lất phất. Hình như có giọt mưa nào lạc ngay trên khóe mắt tôi.

Cứ mùa thu về là tôi lại hay mơ, giấc mơ tôi quay ngược vào trong ngõ, quay ngược vào mảnh sân bé nhỏ, quay ngược về nơi đã cho tôi một phần tôi. Tôi mơ về Hà Nội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích