Rà soát, cập nhật, xây dựng mới chương trình và giáo trình đào tạo kiểm định phương tiện đo nhóm 2
Trung tâm Đào tạo (QTC) – đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) chỉ định là tổ chức đào tạo kiểm định viên phục vụ QLNN theo Quyết định số 473/QĐ-TĐC ngày 17/4/2015. Cụ thể: Đảm bảo sự thống nhất về chương trình, giáo trình và tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo về kiểm định (KĐ), hiệu chuẩn (HC), thử nghiệm (TN) phương tiện đo, chuẩn đo lường (CĐL) tại các đơn vị đào tạo; Tổ chức được giao nhiệm vụ đào tạo chịu trách nhiệm về việc soát xét, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về đo lường, phù hợp yêu cầu phát triển, hội nhập và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về đo lường cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được Tổng cục giao, QTC đã thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo KĐ viên, HC viên và cán bộ kỹ thuật của các tổ chức đã được chỉ định (hoặc chuẩn bị đăng ký) hoạt động KĐ, HC phương tiện đo, CĐL với các lĩnh vực đo lường cơ bản như: khối lượng, độ dài, nhiệt độ, công suất – điện năng, điện trở, điện từ trường, áp suất, dung tích-lưu lượng, quang học, hóa lý,… Do đó, ngày 29/02/2021, Tổng cục đã giao QTC thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu rà soát, cập nhật, xây dựng mới chương trình và giáo trình đào tạo KĐ PTĐ nhóm 2 đáp ứng yêu cầu QLNN về đo lường trong hoạt động chỉ định các tổ chức KĐ, HC”.
Mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ: Hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo về KĐ viên PTĐ, CĐL cho 12 lĩnh vực đo nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo phục vụ QLNN về đo lường trong hoạt động chỉ định các tổ chức KĐ, HC, TN PTĐ, chuẩn đo lường.
Nhiệm vụ gồm 2 nội dung chính: Biên soạn mới/ cập nhật bộ chương trình đào tạo KĐ viên PTĐ nhóm 2 và biên soạn mới/ cập nhật bộ giáo trình đào tạo đại cương bao gồm các kiến thức đại cương, tổng quan về các lĩnh vực đo lường để phục vụ cho hoạt động đào tạo về KĐ, HC, TN các PTĐ nhóm 2 thuộc danh mục được ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN. Bộ giáo trình này phải phù hợp với đa dạng đối tượng học viên (KĐ viên đo lường, TN, HC chuẩn đo lường), hoạt động đào tạo nội bộ của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.
Hoạt động và kết quả nghiên cứu chính của nhiệm vụ
Nghiên cứu, đánh giá tổng quan thực trạng về chương trình, giáo trình đào tạo hiện có, các tài liệu kỹ thuật
Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm, biên dịch các tài liệu kỹ thuật đưa ra 02 báo cáo chuyên đề đánh giá tổng quan thực trạng về chương trình đào tạo PTĐ nhóm 2 và giáo trình đào tạo đại cương các lĩnh vực đo lường hiện nay. Trên cơ sở đó, lập báo cáo tổng hợp đánh giá thực trạng và đề xuất khối lượng xây dựng mới, soát xét chương trình và giáo trình đào tạo kiểm định viên PTĐ nhóm 2 đáp ứng mục tiêu của nhiệm vụ.
Nghiên cứu cập nhật/ biên soạn dự thảo các chương trình
Các chương trình đào tạo được biên soạn và trình bày thống nhất, phù hợp với chương trình khung đào tạo được ban hành theo Quyết định số 473/QĐ-TĐC và cách tiếp cận theo hướng tối ưu hoá thời gian đào tạo (tổng thời gian: 40-64 tiết).
Căn cứ ưu tiên vào hạ tầng CĐL hiện nay và bộ giáo trình đại cương các lĩnh vực đo đã ban hành để đề xuất nhóm PTĐ, dựa vào đại lượng đo và CĐL để duy trì tính liên kết chuẩn. Căn cứ cơ sở phân loại giáo trình đào tạo đại cương theo các lĩnh vực đo, làm cơ sở lập phương án xây dựng mới/cập nhật giáo trình và xây dựng chương trình đào tạo chi tiết cho từng khoá đào tạo. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất phân loại theo các lĩnh vực đo (độ dài, khối lượng, dung tích-lưu lượng, áp suất, nhiệt độ, điện-điện từ, hoá lý, âm thanh-rung động, quang học, lực, vận tốc, khí tượng thuỷ văn).
Căn cứ vào tên gọi phương tiện đo, các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam và các hướng dẫn, văn bản quy định của Tổng cục trước đây, đề xuất nhóm một số loại phương tiện đo vào cùng 1 khoá đào tạo/ cùng một thời gian đào tạo, từ đó xây dựng thành 72 chương trình đào tạo chi tiết cho 68 nhóm PTĐ nhóm 2.
Nghiên cứu cập nhật/biên soạn dự thảo các giáo trình
Các giáo trình đào tạo đại cương về lĩnh vực đo lường được nghiên cứu biên soạn theo bố cục và trình bày thống nhất, phù hợp với chương trình khung đào tạo được ban hành theo Quyết định số 473/QĐ-TĐC. Việc nghiên cứu biên soạn giáo trình do các chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các phòng thí nghiệm về đo lường và tham gia hoạt động đào tạo về đo lường thực hiện.
Kết thúc nghiên cứu, nhóm thực hiện đã biên soạn mới 01 giáo trình đào tạo về lĩnh vực đo lường lực, moment lực; rà soát/ cập nhật 14 giáo trình đào tạo (bao gồm 02 giáo trình đào tạo về đo lường học và quản lý đo lường; 12 giáo trình đào tạo cho 12 lĩnh vực đo đã nêu tại mục 2).
Tổ chức hội nghị chuyên đề
Nhóm nghiên cứu đã tổ chức tổng số 16 hội nghị chuyên đề (HNCĐ) trong đó: 01 HNCĐ về báo cáo tình hình nghiên cứu, đánh giá tổng quan và đề xuất khối lượng xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; 15 HNCĐ để nhận xét, góp ý cho 15 giáo trình đào tạo đại cương (về cơ sở đo lường học và quản lý đo lường; về các lĩnh vực đo theo khối lượng được duyệt tại thuyết minh nhiệm vụ). Các ý kiến nhận xét, góp ý tại các HNCĐ đã được nhóm nghiên cứu phân tích, tiếp thu và thực hiện việc biên tập, chỉnh sửa theo góp ý.
Sự tham gia thẩm định của chuyên gia về sản phẩm của nhiệm vụ
Dự thảo chương trình và giáo trình đã được QTC gửi các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tính về đào tạo trong lĩnh vực đo lường để thẩm định, nội dung thẩm định tập trung vào các vấn đề: Sự phù hợp của bố cục giáo trình với Chương trình đào tạo khung đã được Tổng cục phê duyệt; Sự phù hợp của nội dung chuyên môn với mục tiêu đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Việc tiếp thu, xử lý các nhận xét, góp ý của Hội nghị chuyên đề.
Sản phẩm nghiên cứu của nhiệm vụ bao gồm 72 chương trình đào tạo chi tiết cho 68 nhóm PTĐ nhóm 2; 02 giáo trình đào tạo chung về đo lường học, quản lý đo lường và 13 giáo trình đào tạo đại cương về các lĩnh vực đo lường được nghiên cứu biên soạn trên cở sở các kiến thức chung về đo lường, quản lý đo lường; kiến thức chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành trên cơ sở các tài liệu quốc tế, kết quả nghiên cứu chuyên ngành của các cơ sở chuyên môn về đo lường của Việt Nam và các nước trên thế giới, có sự chấp nhận và tuân thủ các văn bản kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật về đo lường cũng như phù hợp với hiện trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm nghiên cứu và dễ dàng sử dụng trong các tổ chức đào tạo được chỉ định hoặc tổ chức/ đơn vị tự đào tạo nội bộ, nhóm nghiên cứu đã kế thừa nội dung các tài liệu đào tạo kiểm định viên đo lường đã được ban hành và sử dụng từ trước đến nay tại tổ chức đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được Tổng cục giao nhiệm vụ đào tạo về đo lường.
Bên cạnh đó, QTC cũng là một trong những tổ chức được chỉ định đào tạo lĩnh vực nói trên, đồng thời thường xuyên có sự trao đổi thông tin dựa trên hệ thống cộng tác viên đến từ các tổ chức đào tạo uy tín về đo lường cũng như các cơ quan QLNN nên những khó khăn, vướng mắc trong thực tế đối với hoạt động này cũng đã được chú trọng tổng hợp/ phân tích để cập nhật/ hiệu chỉnh nội dung chương trình và giáo trình đào tạo cho phù hợp hơn với thực tế.
Do vậy, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ có tính khả thi cao để ứng dụng trong hoạt động đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường tại các đơn vị đã được giao nhiệm vụ hoặc đào tạo nội bộ cho nhân viên kỹ thuật của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Lê Minh Tâm – Trung tâm Đào tạo TĐC